Những ý kiến tâm huyết
Những ngày này, đồng bào các dân tộc Dak Lak đang trong niềm vui hướng về một sự kiện chính trị lớn lao của tỉnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Sự kiện này đã ghi một dấu ấn sâu đậm trong đời sống chính trị của người dân tỉnh ta. Nhân dịp này, phóng viên Báo Dak Lak đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.
Cần tập trung vào yếu tố chất lượng trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực - Ông Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy
Với điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng trong 5 năm qua, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi. Tuy nhiên, cần nghiêm khắc nhìn nhận những hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa có những động lực, đột phá tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa thể hiện được sự phát triển của từng vùng địa phương trong tỉnh. Tình trạng lãng phí vẫn xảy ra, nhất là sự lãng phí về tài nguyên, chất xám, tài chính. Mặt khác, quy hoạch, quản lý quy hoạch chung và quy hoạch ngành còn thiếu tính chiến lược và đồng bộ. Theo tôi, đây là một trong những vấn đề quan trọng cần lưu ý trong hướng phát triển nhiệm kỳ tới bởi từ quy hoạch tổng thể, cụ thể về vùng kinh tế sẽ có những quy hoạch về nguồn lực (nhân lực và tài nguyên), phát triển cơ sở hạ tầng… Các lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều cố gắng nhưng thiếu chiều sâu về chất lượng; tình trạng tai nạn, tệ nạn xã hội ngày càng tăng. Trong công tác xây dựng Đảng, chúng ta mới quan tâm phát triển số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng dẫn đến tình trạng có một bộ phận đảng viên thoái hóa, biến chất, mất đoàn kết, chưa sâu sát với nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chưa thể hiện được vai trò to lớn của mình, đặc biệt là vai trò đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng cho người dân ý thức, năng lực làm chủ để thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Theo tôi, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố chất lượng trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta cần rà soát, đánh giá lại tài nguyên và tiềm năng của tỉnh để quy hoạch các vùng kinh tế phù hợp; đẩy mạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng xây dựng động cơ vào Đảng, lý tưởng, tinh thần cách mạng cho quần chúng…
Giữ được rừng cũng là góp phần bảo tồn văn hóa - Ông Lê Hữu Chỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học -
Nghệ thuật Dak Lak
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra những mục tiêu – chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010-2015 khiến tôi hết sức phấn khởi. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người trong 5 năm nữa sẽ đạt mức 1.780 – 1.790 USD (34-35 triệu đồng/người), tức là gấp 2 lần hiện nay, là hướng phấn đấu thể hiện quyết tâm cao bởi từ sự phát triển về kinh tế sẽ kéo theo sự đi lên của những lĩnh vực khác nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn là có giải pháp nào để không kéo dãn khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách giữa khu vực thành thị, vùng có điều kiện thuận lợi với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn hay không? Liệu sau 5 năm nữa, có còn địa phương nào có mức thu nhập bình quân dưới 500 USD/người? Tỉnh cần có những giải pháp để tạo nên sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn các chính sách an sinh xã hội để mọi người trong xã hội đều có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để bảo vệ rừng. Tôi cho rằng, rừng không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh thái mà còn gắn với văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Giữ được rừng cũng là góp phần bảo tồn văn hóa. Năm nào chúng ta cũng đề ra kế hoạch chỉ tiêu về trồng rừng, bảo vệ rừng nhưng diện tích rừng vẫn ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Về lĩnh vực văn hóa, chúng ta cũng cần chú trọng đến phát triển về chiều sâu, chất lượng, ví dụ như làm sao để các nhà văn hóa cộng đồng hoạt động phát huy hiệu quả; văn hóa cồng chiêng cần được bảo tồn như thế nào để không đánh mất đi bản sắc của nó…
Cần xử lý hài hòa mối quan hệ nông nghiệp - nông dân - nông thôn - Ông Đoàn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pak
Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã có một bước tiến quan trọng trong việc định hướng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật…, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Sản phẩm đã trở nên đa dạng hơn, song trong nhiều năm qua, người sản xuất vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, bị động và lúng túng trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay xuất hiện nhiều cá nhân thương lái, đại lý thu gom, bao tiêu sản phẩm một cách nhỏ lẻ chứ chưa đủ sức làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có quy mô, chủ động, đã gây nhiều rủi ro cho người nông dân.
Những chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ tới mà Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra, nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn với 32-33%. Vì vậy, theo tôi để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, cần xử lý hài hòa mối quan hệ nông nghiệp – nông dân – nông thôn; trong đó cần chú trọng đầu tư, hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã (HTX) dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. HTX này được hình thành trên cơ sở của sáng lập viên, cổ đông cộng với sự giúp đỡ của Nhà nước, có đủ các điều kiện hoạt động. HTX sẽ liên kết liên doanh với doanh nghiệp, nhà đầu tư hình thành các nhà máy chế biến nông sản ngay ở nông thôn, vùng nguyên liệu để làm tăng giá trị nông sản. Quan trọng hơn, thông qua các doanh nghiệp, nhà đầu tư là đầu mối tiêu thụ sản phẩm có quy mô, chủ động theo kế hoạch mùa vụ. Nếu làm được điều này, nông nghiệp sẽ có điều kiện phát triển, người nông dân yên tâm, chỉ tập trung lo sản xuất, không bị ép giá. Mặt khác, khi các nhà máy, xí nghiệp mọc lên sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo điều kiện cho nông dân “ly nông” mà không “ly hương”, không làm nông nghiệp nhưng vẫn gắn bó với làng quê của mình; góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển bền vững - Ông Nguyễn Huynh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên
Tôi cho rằng, với điều kiện tỉnh ta, cùng một lúc “vừa phát triển nhanh vừa phát triển bền vững” là rất khó, bởi nếu chủ trương “phát triển nhanh” thì khả năng “chọn lọc” sẽ bị hạn chế. Mặt khác, sẽ rất khó, để chú trọng đến yêu cầu phát triển có “trọng tâm, trọng điểm” và sẽ bị dàn trải khi mà trên thực tế còn nhiều “điểm nghẽn” như: cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng ở nông thôn và du lịch vẫn còn yếu kém; quy mô nguồn nhân lực lớn nhưng chất lượng còn ở mức thấp; thể chế kinh tế chưa bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, mối quan hệ phát triển giữa các ngành (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…) còn rời rạc, quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập… chưa tạo môi trường thông thoáng để phát triển. Theo tôi, muốn bảo đảm vừa phát triển nhanh vừa phát triển bền vững cần chú trọng tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển. Tôi cũng đề nghị bổ sung “Chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn, là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu” trong phần “Giải pháp thực hiện” (trang 22) bởi vì tỉnh ta có tỷ trọng nông nghiệp lớn, nhưng lại thiếu ổn định do tính thời vụ, rủi ro nhiều. Do vậy, việc thực hiện chương trình này sẽ bảo đảm ổn định kinh tế nông thôn và an ninh quốc phòng.
Bổ sung thêm các đề án để Dak Lak đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức ở khu vực Tây Nguyên - Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh
Tỉnh ta là nơi tập trung và hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển nền kinh tế có trình độ cao trong khu vực Tây Nguyên, tất yếu phải đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức. Để tạo nền kinh tế năng động, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cần xây dựng, triển khai thêm các đề án về khuyến khích ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thông tin hiện đại; xây dựng nguồn nhân lực tri thức; thu hút nguồn nhân lực trình độ cao. Để tạo ra sự bứt phá, 5 năm tới cần ít nhất xây dựng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du ngang tầm với các trường chuyên lớn trong cả nước, nhằm góp phần làm tiền đề cho việc đào tạo nguồn nhân lực tri thức chất lượng cao cho tỉnh và cả nước; nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Dak Lak thành Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Tây Nguyên để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; đổi mới và nâng cao năng lực cán bộ quản lý giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức công dân cho học sinh các cấp bởi theo tôi được biết việc dạy học hiện nay còn mang nặng tư tưởng dạy chữ - ít quan tâm đến dạy “làm người” Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách khuyến khích, ưu đãi cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao để thu hút họ về công tác tại tỉnh nhà.
Đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan khối nội chính - Ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Bố cục, nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị khá hợp lý song, theo tôi dự thảo cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan khối nội chính. Chẳng hạn, ngành giao thông vận tải hiện đang quản lý hơn 7.581 km đường giao thông các loại; trong đó, quốc lộ có 4 tuyến (395 km), tỉnh lộ có 14 tuyến (460 km), huyện lộ có 71 tuyến (956 km), đường xã có 760 tuyến (2.393 km), đường thôn, buôn 2.779 km… Đến nay, việc nhựa hóa đường giao thông mới hoàn thành 75% tỉnh lộ (còn 25%); 52% huyện lộ (còn 28%), 25% đường xã (còn 25%)... Vì vậy, chỉ tiêu đề án quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2015 đặt ra cần phải cải tạo, nâng cấp nhựa và bê tông hóa 100% tỉnh lộ, 80% huyện lộ và 50% đường xã, liên xã; 100% xã có đường nhựa đến trung tâm… là cao so với tình hình phát triển chung mạng lưới giao thông của cả nước bởi tiềm lực phát triển giao thông tỉnh ta còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Ở lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, theo tôi, Dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung thêm nội dung về chủ trương thực hiện việc dạy tiếng Êđê và M’nông cho cán bộ công chức và trường học trong tỉnh; một số nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học, cao đẳng về công tác quản lý giáo dục - đào tạo. Chỉ tiêu thứ 11 nên bổ sung thêm số liệu về tỷ lệ trường Tiểu học, THCS, THPT học 2 buổi/ngày và thêm chỉ tiêu cho lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp và số liệu để so sánh: Nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo từ bao nhiêu % lên 75%; học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi từ bao nhiêu % lên 96% vào năm 2015 và 100% xã, phường, thị trấn có trường trung học cơ sở. Việc đề ra chỉ tiêu cụ thể cũng là cách để cán bộ lãnh đạo quan tâm tới các cơ quan, đơn vị nhiều hơn, đồng thời sớm phát hiện và xử lý các sai phạm.
Ý kiến bạn đọc