Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp, nông thôn từng bước khởi sắc

16:37, 01/10/2010

Trong 5 năm (2006-2010), sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển và đạt mức tăng trưởng hàng năm khá ổn định, bình quân 6,1% riêng 6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.574 tỷ đồng, tăng  6 %  so với cùng kỳ năm trước. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Dưới đây là những ý kiến tâm huyết của một số cán bộ, đảng viên và già làng về những thành tựu trên.

Dak Lak đã ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ trong sản xuất giống lúa lai - Ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm

 

Những năm qua, nông nghiệp Dak Lak đã có những bước phát triển vượt bậc, một trong những yếu tố tạo nên thành công đó là việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong trồng trọt mà thành tựu nổi trội là đã sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1. Nhờ lợi thế về khí hậu, đất đai cùng với việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, nông dân Dak Lak đã sản xuất được những tổ hợp giống cho năng suất cao và trở thành vùng sản xuất giống lúa lai lớn nhất nước. Niên vụ 2009 - 2010, các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam cùng với các công ty giống tổ chức sản xuất thành công các tổ hợp lúa lai F1 (2 -3 dòng) với tổng diện tích 448 ha, sản lượng 1.174 tấn. Dự kiến, niên vụ 2010 – 2011, diện tích được các đơn vị đưa vào sản xuất sẽ tăng lên từ 500 – 550 ha, với các tổ hợp Bắc ưu 903, Nhị ưu 838, Bio 404, TH 3-3, LC 25, HYT 100…Tổng sản lượng ước đạt từ 1.500 – 1.700 tấn, đáp ứng tốt cho nhu cầu giống trên địa bàn. Hiện, nhu cầu về giống lúa lai ở Việt Nam khoảng 20 nghìn tấn, trong khi đó, chúng ta chỉ mới sản xuất được 4 nghìn tấn, còn lại phải mua của Trung quốc và các nước khác với giá rất đắt. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT đang xây dựng vùng sản xuất giống lúa lai để cung cấp giống cho miền Bắc, và Dak Lak là một trong những địa phương được chọn. Về lâu dài, quy mô sản xuất giống lúa lai ở Dak Lak có thể mở rộng khoảng 4.000 – 5.000 ha, bảo đảm 70% nhu cầu giống lúa lai thương phẩm toàn quốc.

Sản phẩm nông nghiệp hằng năm đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa - Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT

 

 

Trong phát triển nông nghiệp, thế mạnh vượt trội của tỉnh ta là sản xuất cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, tiêu, điều…, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm của địa phương. Bên cạnh đó, các sản phẩm cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, sắn, thuốc lá… đã mang tính hàng hóa có giá trị cao, góp phần hướng đến công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Cùng với việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa được hình thành và phát triển nhanh, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi đa dạng, thích ứng với nhu cầu thị trường, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng tăng nhanh, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt khoảng 32,3 triệu đồng/ha. Chăn nuôi tuy đang gặp đại dịch trên đàn gia súc, nhưng nuôi ong và nuôi trồng thủy sản đã đạt những kết quả rất tốt, cụ thể, chỉ hơn năm tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh đã khai thác được trên 10.000 tấn mật ong, tăng hơn năm trước 3.500 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 7.806 ha, sản lượng đạt trên 13.000 tấn, tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 năm qua, đã trồng được gần 30.000 ha rừng tập trung và hơn 3,9 triệu cây phân tán, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 50%, tăng 3,9% so với năm 2005. Ngoài tập trung cho phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng cơ sở nông nghiệp nông thôn từng bước được hoàn thiện. Theo đó, nông nghiệp, nông thôn và nông dân tỉnh ta có bước chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn được khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Công tác khuyến nông đã được xã hội hóa - Ông Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyện Ea Kar

Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyện Ea Kar (bìa phải)
Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyện Ea Kar (bìa phải)


Bốn thành công nổi bật nhất của nông nghiệp Ea Kar là: lúa lai, ngô lai, bò lai và heo F1 đã chiếm tỷ lệ cao trong tổng diện tích và tổng đàn. Có được kết quả này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông từ huyện xuống thôn, buôn. Từ những mô hình trình diễn các loại giống lai, nông dân tiếp nhận đưa vào sản xuất đại trà, đã có trên 40% ruộng nước được gieo cấy lúa lai; 100% diện tích ngô được gieo trồng bằng các loại giống ngô lai; trên 70% bò có máu lai và heo hướng nạc, ngoại lai đạt gần 100%. Thêm vào đó, công tác khuyến nông đã được xã hội hóa, vì vậy mạng lưới khuyến nông được phân bổ rộng khắp, ở cấp xã thì có cán bộ chuyên trách, thôn, buôn thì có cộng tác viên. Ngoài ra, còn có các CLB khuyến nông, đoàn viên thanh niên, hội nông dân, phụ nữ… đều tham gia các hoạt động khuyến nông cho nên các giống cây, con mới; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được cán bộ khuyến nông nhanh chóng đưa đến tận thôn, buôn xa xôi. Chính vì vậy, công tác khuyến nông đã có sức lan tỏa mạnh đến cả những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con thay đổi cách thức sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức và phát triển kinh tế. Hiện các chương trình khuyến nông cũng đa dạng và hướng về cơ sở nhiều hơn trước, vì vậy người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn, khuyến nông là người bạn không thể thiếu đối với nông dân.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương - Ông Nguyễn Năng Chung, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Kuin

 


Cư Kuin là một huyện thuần nông, khoảng 90% dân số sống bằng nghề nông. Bởi vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đóng vai trò rất quan trọng đối với địa phương. Nhận thấy, diện tích điều ở các hộ dân hiệu quả kinh tế thấp, các ban, ngành liên quan đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và cao su tiểu điền. Hiện, hầu hết diện tích trồng tiêu đã cho thu hoạch, năng suất 5-6 tấn/ha. Nổi bật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện thời gian gần đây là đưa cây cao su thay thế cây điều ở những vùng đất pha cát. Khi có chủ trương của UBND huyện, bà con đồng tình hưởng ứng và triển khai nhanh chóng. Bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, UBND huyện đã hỗ trợ cho bà con 2 triệu đồng/ha để mua cây giống và cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã triển khai trồng trên 60 ha cao su tiểu điền ở các xã, qua một năm cho thấy, diện tích cao su của các hộ dân phát triển tốt ngay cả trên những vùng đất hoang hóa trước đây. Hiện, trên địa bàn huyện vẫn còn trên 2.000 ha điều có năng suất và sản lượng thấp, trong vài năm tới, căn cứ vào đặc tính của từng loại đất từng vùng, huyện sẽ có chủ trương thay thế các loại cây trồng phù hợp nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp ở huyện, có nơi đạt từ 30 đến 50 triệu đồng/năm, tạo nên một diện mạo mới trong đời sống của người dân.

Người dân đóng vai trò quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn - Già Ama Bik (70 tuổi), buôn Trinh, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ

 
Với chủ trương đúng đắn “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”, Đảng và Nhà nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Nơi nào chính quyền được “lòng” dân thì nơi đó sẽ dễ dàng hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu kinh tế - xã hội - an ninh, quốc phòng… Theo tôi, người dân là chủ thể, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn, ở một vùng đất thuần nông như buôn Trinh, nghề dệt thổ cẩm tuy được xem là nghề “tay trái” của nhiều hộ dân, nhưng tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng là cơ sở tạo nên sự đa chiều trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Cụ thể, trong buôn, nhiều hộ đồng bào DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi từ chuyên canh cây cà phê sang hình thức trang trại tổng hợp VACR. Theo mình, đầu tư phát triển mô hình VACR mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh được rủi ro lớn. Đặc biệt, mô hình này giúp người dân tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đỡ chi phí đầu vào, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cùng với những nỗ lực của người dân, đã từng bước tạo nên một buôn Trinh vừa hiện đại vừa đậm chất Tây Nguyên.

Hai nhà nông dân và doanh nghiệp đã có sự liên kết với nhau - Ông Nguyễn Hoàng Bảo, phụ trách kinh doanh khu vực 10, Công ty Nông dược Syngenta Vietnam Limited

 

Trong những năm qua, tôi nhận thấy nông dân Dak Lak và các doanh nghiệp đã có sự liên kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là ở  khâu tiêu thụ và kỹ thuật canh tác. Theo đó, các loại cây trồng đặc thù của vùng như cà phê, hồ tiêu, ngô, đậu, lúa… được đầu tư tốt hơn, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao qua từng năm và đầu ra cũng ổn định hơn. Ở góc độ là đơn vị tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ phương pháp chăm sóc cây trồng, chúng tôi thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội thảo, tư vấn (kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê; kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa…), đặc biệt là xây dựng các mô hình trình diễn trên đồng ruộng, nương, rẫy giúp bà con học tập những phương pháp hay để ứng dụng vào sản xuất của gia đình mình. Đó là cách sử dụng thuốc, phân bón cho từng loại cây, chọn lọc giống cây trồng mới có năng suất cao, hay với đặc trưng của từng loại đất mà áp dụng giống cây trồng cho phù hợp. Các địa bàn được chúng tôi ứng dụng phương pháp này đều có hiệu quả cao như Krông Pak, Ea Kar, Lak… Cũng nhờ đó, những năm trở lại đây, cuộc sống người dân vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nền nông nghiệp của Dak Lak cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Để tiếp tục phát huy thành quả này, thiết nghĩ, địa phương cần tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân.

Khoảng 80% đóng góp vào ngân sách xã là từ nông nghiệp - Ông Đinh Văn Triều, Bí thư Đảng ủy xã Buôn Triết, huyện Lak

 

Xã Buôn Triết có diện tích tự nhiên 7515 ha, 1593 hộ dân với 6561 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó 1/3 là người đồng bào dân tộc thiểu số sống trên 15 thôn buôn. Sản xuất chính của xã là trồng lúa nước và chăn nuôi gia cầm, những năm qua đã có nhiều chuyển biến và được đánh giá là xã phát triển nhất huyện Lak về sản xuất nông nghiệp. Nhờ đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào…, đến nay, toàn xã đã canh tác được 3.800 ha cây trồng các loại (trong đó 2.000 ha lúa 2 vụ, còn lại là ngô lai, sắn, cà phê…); 1.700 con trâu, bò; 4.000 con heo và đàn gia cầm có 40.000 con…Năm 2009, sản lượng lương thực của địa phương đạt hơn 15.000 tấn, dẫn đầu toàn huyện về bình quân lương thực đầu người (2.450 kg/người/năm). Cây lúa tập trung nhiều nhất ở các thôn Sơn Cường, Đoàn Kết, Mê Linh, buôn Tung, bình quân mỗi hộ canh tác từ 2 – 4 ha… Phần lớn các khâu sản xuất đều đã được cơ giới hóa nên năng suất lúa thường đạt 7 tấn/ha. Hằng năm, sản xuất nông nghiệp đã đóng góp 80% tổng thu ngân sách của xã. Những khởi sắc trong sản xuất nông nghiệp làm cho đời sống của người dân địa phương ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 10%...

Nhóm PV


Ý kiến bạn đọc