Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

11:36, 01/10/2010

Hệ thống chính trị cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đại đoàn kết toàn dân. Những nỗ lực trong việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở đã đem lại sự đồng thuận xã hội, ổn định chính trị, huy động mọi nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND - có điều kiện phát huy tốt vai trò, xử lý công việc kịp thời, hiệu quả - Ông Đặng Ngọc Hiền, Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar.

 
Thị trấn Ea Kar có 2 thôn, 6 buôn và 8 tổ dân phố, với 2.761 hộ (13.335 khẩu) gồm 8 dân tộc (trong đó đồng bào Êđê chiếm 25% dân số). Tháng 6-2009, thị trấn thực hiện thí điểm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND (theo kế hoạch số 62 của Tỉnh ủy). Qua hơn một năm triển khai cho thấy một số thuận lợi: cán bộ quản lý vừa là người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền cơ sở nên có điều kiện phát huy tốt vai trò, xử lý công việc kịp thời. Việc triển khai các chủ trương, chính sách nhanh chóng, hiệu quả, không mất nhiều thời gian hội ý, trao đổi, giảm bớt các cuộc họp của Thường vụ, Thường trực ủy ban; phát huy tính chủ động của Đảng ủy, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong Ban Thường vụ; khắc phục tính trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Vấn đề tiếp theo là xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất nội bộ, giữa Đảng và chính quyền. Những tồn tại trước đây, trong đó có việc phối hợp giữa cấp ủy và chính quyền để giải quyết các vấn đề phức tạp của địa phương được khắc phục. Chủ trương, nghị quyết được xây dựng sát với thực tiễn địa phương; công việc được giải quyết nhanh chóng, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu rõ hơn. Cán bộ, đảng viên được bố trí công việc hợp lý, đồng tình với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, điều hành công việc đi vào nền nếp.
Áp dụng mô hình trên, những  năm qua, thị trấn Ea Kar đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn là 14 triệu đồng (tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2005). Thị trấn giữ vững là đơn vị dẫn đầu thi đua khối xã của huyện. Là đơn vị thực hiện tốt nhất huyện về cải cách hành chính và triển khai cơ chế “một cửa”, chính quyền cơ sở đã gần dân hơn, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội. Mặt trận, các đoàn thể có nhiều đổi mới trong hoạt động; tập hợp ngày càng nhiều đoàn viên, hội viên, phát huy vai trò các già làng, trưởng buôn, qua đó làm tốt công tác vận động, thu hút đông đảo quần chúng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, thiết thực với quyền lợi người dân - Ông Ngô Trung Việt, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Buôn Hồ

 

Thị xã Buôn Hồ mới được chia tách năm 2009, hầu hết các tổ chức trong hệ thống chính trị đều mới thành lập, trong thời gian lâm thời, cán bộ quản lý được điều động luân chuyển nhiều, chưa quen công việc nên gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, Thị ủy đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực để củng cố kiện toàn hệ thống chính trị từ xã đến thôn  buôn, khảo sát thực tế nhằm đánh giá đúng vai trò và hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, từ đó đề ra giải pháp thực hiện phù hợp với từng nội dung: tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác tuyên truyền, phát động quần chúng, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chú trọng tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, quan tâm giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, thiết thực  với quyền lợi người dân trên địa bàn. Đội công tác phát động quần chúng với 35 thành viên thường xuyên bám buôn, bám dân, nắm chắc tình hình hoạt động mọi mặt ở địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức kết nghĩa với 30 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ xã, phường đã từng bước được chuẩn hóa, phân công phân nhiệm cụ  thể và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ; một số ủy ban cấp xã, phường đã cải tiến lề lối làm việc hiệu quả  hơn, đồng thời quan tâm đến việc củng cố kiện toàn ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố…

Tạo sự gắn bó  giữa chính quyền và người dân - Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Klông,  huyện Krông Năng

 
Cư Klông là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, có những điểm dân cư ở cách xa trung tâm xã tới 30 km, giao thông đi lại rất khó khăn. Tuy dân số không đông, nhưng trên địa bàn có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau, quan hệ dòng tộc chi phối mạnh trong đời sống xã hội. Do những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và các yếu tố truyền thống nên hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở đây còn có những đặc trưng riêng, đòi hỏi cán bộ, chính quyền phải có vốn hiểu biết nhất định về văn hóa, ngôn ngữ của từng dân tộc, biết dựa vào những người có uy tín trong các thôn, buôn, dòng tộc, từ đó tạo sự gắn bó, nhân dân hiểu được chính quyền và chính quyền cũng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Những năm qua, xã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, như các Chương trình 135, 167… Trong triển khai các công trình phục vụ dân sinh, xã đều tổ chức tập huấn cho người dân nắm bắt rõ các chủ trương chính sách; tham gia bàn bạc, bình chọn hộ thụ hưởng chương trình một cách dân chủ, công khai; với công trình ở thôn, giao ban tự quản thôn quản lý, đồng thời xin ý kiến dân về việc tham gia ngày công hoặc đảm nhận những hạng mục nhỏ, hiện có 2 công trình đơn giản được dân tham gia trị giá 68 triệu đồng.  Từ đó tạo sự phấn khởi trong nhân dân, thúc đẩy phát triển hạ tầng nông thôn nhờ vào việc tham gia tích cực của người dân.

Cán bộ thôn buôn cần tâm huyết với công việc - Ông Y Muôn Byă, Chủ tịch UBND xã Ea Trang, huyện M’Drak

 

Ea Trang là một xã vùng xa của huyện M’Drak, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị thôn, buôn là nhân tố quyết định đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Có thể nói, điểm nổi bật của Đảng bộ xã trong những năm qua là vấn đề xây dựng hệ thống chính trị và công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, trong đó có việc mạnh dạn đề bạt cán bộ vào những vị trí quan trọng. Hằng năm, chính quyền cử hàng chục cán bộ cơ sở đi học các lớp bồi dưỡng chính trị nhằm nâng cao trình độ kiến thức để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó là công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng các chi bộ trong sạch vững mạnh. Đến nay, xã không còn tình trạng thôn buôn trắng đảng viên, nhiều chi bộ thôn buôn đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.
Nhờ củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nên các hoạt động như nhựa hóa các tuyến đường liên thôn, phát triển thương mại-dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa đói giảm nghèo… đã được chính quyền xã thực hiện nghiêm túc và giám sát chặt chẽ. Qua đó có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm gần 3%, nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đã thoát nghèo và ngày càng khấm khá; tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn buôn văn hóa ngày càng tăng; đời sống, thu nhập của bà con ngày càng được cải thiện.

Vận dụng tốt sự hỗ trợ của Nhà nước vươn lên thoát nghèo - Bà Trịnh Thị Lực, thôn trưởng thôn 6 xã Ea Sô, huyện Ea Kar

 
Phát huy sức mạnh đoàn kết của 6 dân tộc anh em trên địa bàn, 59 hộ dân thôn 6 đã chấp hành tốt các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đây là thôn nghèo nằm trong địa bàn xã vùng 3 nên các đoàn thể trong thôn luôn vận động bà con vận dụng tốt sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ Dự án hỗ trợ trồng rừng ADB, 11 hộ trong thôn đã tham gia trồng được 20 ha rừng. Đồng thời khuyến khích bà con phát huy nội lực, tận dụng triệt để diện tích đất hoang hóa để sản xuất nên đã tăng diện tích trồng mía từ 90 ha năm 2008 lên 120 ha năm 2010. Bà con trong thôn cũng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất mía từ 60 tấn/ha lên 90 tấn/ha. Chính vì vậy, chỉ trong 3 năm 2008 đến 2010 số hộ nghèo trong thôn từ 26 hộ giảm xuống chỉ còn 18 hộ.

Bà con càng tin tưởng thì trách nhiệm càng phải cao - Già làng Krông Chil, buôn DhămI, xã Dak Nuê, huyện Lak

 

Được bà con kính trọng, tín nhiệm cử làm già làng tôi thấy trách nhiệm của mình ngày càng nặng nề hơn. Để bà con trong buôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi và gia đình phải gương mẫu thực hiện đầu tiên. Bởi mình có làm được thì tuyên truyền người dân mới nghe mà làm theo. Trước đây khi đời sống bà con còn nhiều khó khăn, dân trí chưa được nâng cao, các hủ tục lạc hậu như kết hôn cận huyết thống, ốm đau không đưa đi bệnh xá, tang ma tốn kém, thanh niên trong buôn quậy phá còn diễn ra, tôi đã cùng ban tự quản buôn họp dân lập ra tổ hòa giải, tổ dân quân, tổ tuyên truyền viên dân số… và thường xuyên duy trì sinh hoạt 2 lần mỗi tháng. Nhờ vậy, nhiều năm nay trong buôn đã đi vào ổn định, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, đoàn viên thanh niên tham gia vào các tổ chức đoàn hội, học sinh trong độ tuổi tới trường đạt tỷ lệ cao. Các chương trình về kế hoạch hóa gia đình được người dân thực hiện nghiêm túc, nhờ vậy mà tỷ lệ sinh năm sau luôn thấp hơn năm trước. Để bà con nắm vững kỹ thuật sản xuất, buôn đã mời trạm khuyến nông huyện về truyền đạt kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là canh tác lúa lai cho năng suất cao, nhờ vậy trong buôn hiện nay không còn hộ đói, đời sống bà con được nâng lên một bước.
Cùng với đó, an ninh trật tự được giữ vững, vi phạm pháp luật của người dân giảm đáng kể, tình trạng trộm cắp nhiều năm liền không xảy ra, các mâu thuẫn nhỏ giữa những hộ gia đình được hòa giải kịp thời.

Ngọc Hoa - Huyền Nhung - Tuấn Anh (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc