Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phòng chống sốt rét cho người dân qua lại biên giới: Đã có sự vào cuộc từ hai phía

00:27, 27/11/2010

Hiện nay, việc phòng chống sốt rét tại khu vực biên giới và ngăn ngừa ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đang là những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác này ở tỉnh ta, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ HỒ TÂN TIẾN, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét của tỉnh.

* Ông đánh giá như thế nào về tình hình sốt rét ở 2 huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn trong năm nay?

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ tân Tiến đang trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ tân Tiến đang trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Trong năm 2010, tình hình sốt rét tại 2 huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp có tăng về ký sinh trùng sốt rét và số mắc sốt rét trên 1000 dân. Đặc biệt, tại huyện Ea Súp, số ca sốt rét trong năm 2010 tăng trên 34%, tỷ lệ mắc trên 1.000 dân cũng tăng gần 34% và sốt rét ác tính tăng 100%. Trong khi đó, số ca sốt rét và số mắc trên 1.000 dân của toàn tỉnh trong năm 2010 có tăng nhưng tăng rất thấp là 4,21% và 6,86%. Một trong những nguyên nhân khiến cho huyện Ea Súp tăng đột biến cả về ca sốt rét lẫn sốt rét ác tính là do dân di cư biến động. Trên thực tế, năm 2010, dân di cư tự do vào xã Cư Kbang của huyện Ea Súp làm ăn sinh sống tăng đột biến nên bệnh nhân sốt rét cũng tăng mạnh, khiến cho Cư Kbang trở thành điểm nóng về sốt rét không chỉ của Ea Súp mà còn của tỉnh. Ngoài ra, tình hình dân giao lưu biên giới và dân di cư từ vùng không có sốt rét hoặc vùng sốt rét nhẹ vào vùng sốt rét lưu hành nặng làm cho tình hình bệnh sốt rét của tỉnh, nhất là tại khu vực biên giới không ổn định và có thể là nguy cơ làm bùng phát dịch sốt rét. Bên cạnh đó, kiến thức về phòng chống sốt rét và thói quen không ngủ màn của người dân, nhất là các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến sốt rét gia tăng.

* Thời gian qua, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét đã triển khai những hoạt động gì tại 2 huyện biên giới của tỉnh, thưa ông?
Năm 2010, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét của tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động theo kế hoạch đã được xây dựng hướng đến những mục tiêu tăng cường sốt rét dựa vào cộng đồng, tập trung vào nhóm nguy cơ cao và nâng cao năng lực của chương trình phòng chống sốt rét quốc gia. Với mục tiêu này, Dự án đã tổ chức các hoạt động giám sát tại khu vực biên giới, trong đó hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn đã tiến hành điều tra dịch tễ tại các điểm nóng, triển khai cán bộ xuống cấp phát màn và truyền thông về phòng chống sốt rét cho đồng bào tại các khu vực này. Mặt khác, chúng tôi cũng tuyên truyền vận động và phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể để thực hiện xã hội hóa về phòng chống sốt rét tại địa bàn 2 huyện biên giới cũng như trên toàn tỉnh.

* Được biết, Dự án Quỹ toàn cầu  phòng chống sốt rét cũng được triển khai tại tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Vậy, tỉnh Dak Lak và tỉnh Mondulkiri đã có sự phối hợp như thế nào để phòng chống sốt rét đối với dân giao lưu biên giới?
Trên thực tế, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh sốt rét cho dân giao lưu biên giới còn gặp nhiều khó khăn vì nhân lực tuyến y tế cơ sở mỏng và kiêm nhiệm nhiều chương trình nên khó kiểm soát được bệnh ở nhóm đối tượng này. Hơn nữa, việc phòng chống sốt rét đối với dân giao lưu biên giới là một vấn đề hết sức khó khăn, bởi đa số dân giao lưu biên giới, dân đi rừng, ngủ rẫy thường tập trung vào vùng sốt rét lưu hành nặng. Do đó, các yếu tố mầm bệnh, vectơ và khối cảm thụ luôn sẵn có ở những đối tượng này là những vấn đề đáng lo trong công tác phòng chống sốt rét giữa 2 biên giới. Chính vì vậy, để phòng chống sốt rét cho nhóm đối tượng này cần phải có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền đoàn thể, các ngành chức năng, trong đó ngành y tế nắm vai trò chủ đạo; đồng thời cũng cần có sự phối hợp của y tế nước bạn để thống nhất xây dựng một cơ chế quản lý dân giao lưu biên giới giữa 2 tỉnh Dak Lak (Việt Nam) và Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Từ sự cấp thiết này, ngày 8-1-2010, tại huyện Ea Súp, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị biên giới phòng chống sốt rét. Tại hội nghị này, tỉnh ta cũng đã mời đoàn lãnh đạo của tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) sang tham dự. Và tại đây, hai bên đã có một biên bản ghi nhớ gồm 7 vấn đề, trong đó có 2 vấn đề cơ bản thuộc về lĩnh vực y tế. Vấn đề thứ nhất là về nguyên tắc điều trị sốt rét, hai bên đã thống nhất  phải điều trị sớm, điều trị đủ liều, điều trị cắt cơn để phòng chống lây lan. Vấn đề thứ hai là xuất phát từ đặc điểm tương đồng về vectơ truyền bệnh, về khí hậu nên hai bên cũng đã thống nhất triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống sốt rét. Chính vì 2 nội dung này, trong thời qua, chúng ta đã triển khai phối hợp với nhau trong công tác thông tin qua  lại về tình hình sốt rét của dân giao lưu biên giới và thông tin qua lại qua trao đổi thư điện tử với nhau. Tại hội nghị này, bước đầu cũng đã có kết quả nhất định.

* Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và tỉnh ta đã có biện pháp gì để phòng ngừa tình trạng này?
Hiện nay vấn đề ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc là vấn đề rất thời sự trong điều trị sốt rét không chỉ riêng của tỉnh Dak Lak mà của cả nước. Vấn đề này cũng đã được đặt ra từ hội nghị lần trước và nước ta đã có rất nhiều khuyến cáo để đề phòng. Tuy nhiên, phòng chống việc kháng thuốc của ký sinh trùng sốt rét cần có điều trị theo đúng chuẩn quy định của Bộ Y tế, đúng quy định của Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng để từ đó ký sinh trùng sốt rét tiệt căn và không bị kháng thuốc. Với mục tiêu không để xảy ra tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, nước ta đã trao đổi với nước bạn và đi đến cam kết điều trị đúng liều, đúng thuốc, đúng quy định sao cho không có tình trạng kháng thuốc xảy ra tại địa bàn 1 trong 2 bên, bởi thực tế, nếu 1 nước có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc xuất hiện thì nguy cơ nước còn lại bị ảnh hưởng rất lớn. Trong thời gian qua, cam kết này đã được tỉnh ta và tỉnh Mondulkiri của nước ban thực hiện rất tốt. Nhờ vậy, đến thời điểm này, tại Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng chưa xuất hiện kỳ sinh trùnh sốt rét kháng thuốc. 

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc