Multimedia Đọc Báo in

Để báo Đảng địa phương gần gũi, thu hút bạn đọc hơn

09:54, 25/11/2010

“Trong Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 9-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo…”. Vậy làm thế nào để tờ báo Đảng địa phương được đông đảo quần chúng ham chuộng là điều trăn trở của nhiều báo Đảng địa phương hiện nay…” - ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ điều này với phóng viên Báo Dak Lak tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây  Nguyên lần thứ XVII (vòng III) được tổ chức tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận) vừa qua.

* Có nhiều nhận xét rằng báo Đảng địa phương khô, nặng tuyên truyền nên không hấp dẫn, ông nghĩ sao về điều này?

 
- Đúng, nhưng không hoàn toàn như thế. Tuyên truyền là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của báo Đảng, nhưng cốt lõi chính là cách tuyên truyền như thế nào để nó không khô và thực sự gần gũi với quần chúng nhân dân. Đây là vấn đề mà các báo Đảng  địa phương hiện nay cần quan tâm để làm cho tờ báo trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều bạn đọc hơn. Tuy nhiên, tính hấp dẫn của báo Đảng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không được sa vào thị hiếu tầm thường, giật gân câu khách. Hiện, nhiều báo Đảng địa phương đang nỗ lực nhanh nhạy trong cập nhật thông tin; mở thêm các chuyên mục để gần gũi hơn với bạn đọc; nâng cao chất lượng bài viết…

* Thưa ông, còn chức năng quan trọng của báo chí là phản biện xã hội và tính chiến đấu?
Hầu hết các báo Đảng địa phương chưa làm tốt chức năng này nên tờ báo khó thu hút được độc giả. Chúng ta vẫn chưa nói được hết những điều mà nhân dân cần, nhân dân mong đợi, bạn đọc quan tâm. Rất nhiều báo Đảng địa phương hiện nay vẫn còn thông tin những vấn đề vô thưởng vô phạt, tin hiếu hỉ, giao hảo vẫn xuất hiện nhiều thì đương nhiên tính hấp dẫn của tờ báo kém, xa rời với bạn đọc. Làm sao để báo Đảng hấp dẫn, không chỉ đến được với cơ quan của Đảng, Nhà nước, cán bộ, mà phải đến được với đông đảo quần chúng nhân dân chính là phải làm tốt chức năng phản biện xã hội và nâng cao tính chiến đấu. Những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, những quy định chính sách, những quyết định cụ thể của các cấp ủy đảng, nếu người dân chưa sát với thực tế, gặp vướng mắc khi triển khai thực hiện… thì báo chí có thể phản biện, tạo diễn đàn cho nhân dân góp tiếng nói, tuy nhiên phản biện này phải có chất lượng  và vì mục đính xây dựng. Còn tính chiến đấu, nhìn chung báo Đảng địa phương vẫn khá dè dặt vì nhiều nguyên nhân. Đó là gặp khó khăn trong tài chính, ngoài Hà Nội Mới, Sài Gòn Giải phóng, các báo khác vẫn còn bao cấp; đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi không nhiều; đối với việc đăng tải thông tin chống tiêu cực thì yêu cầu về độ chuẩn xác gần như là tuyệt đối nên gặp nhiều khó khăn trong thu thập các tài liệu, văn bản liên quan…

* Vậy làm thế nào để báo Đảng gần gũi, thu hút bạn đọc hơn?
- Có nhiều yếu tố nhưng tựu trung nhất và mang tính quyết định chính là con người, trong đó tổng biên tập đóng vai trò tiên quyết. Tổng biên tập như một tổng tư lệnh, người đề ra nội dung, tổ chức, thực hiện, nên phải quyết đoán, bản lĩnh dám làm dám chịu trách nhiệm. Kế đến là đội ngũ phóng viên phải dũng cảm, có năng lực trình độ, nghiệp vụ, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Muốn tờ báo có tính chiến đấu cao thì phải có những bài phóng sự, điều tra những vụ việc, vấn đề mặt trái của xã hội, cực kỳ công phu và nguy hiểm. Cho nên, mỗi một tòa soạn báo cần xây dựng được tổ phóng viên như vậy. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền người tốt việc tốt, gương điển hình phải có chiều sâu trở thành những ký chân dung sinh động, có sức lay động. Mặt khác, cần có chế tài riêng phù hợp với điều kiện kinh tế của tòa soạn trong chi trả nhuận bút để khuyến khích phóng viên làm việc, xây dựng mạng lưới cộng tác viên để khắc phục tình trạng bài vở “ăn đong”. Ngoài ra, báo Đảng địa phương có quy định định mức tin bài/tháng, nếu cào bằng định mức thì rất khó cho việc nâng cao chất lượng. Định mức tin bài có 2 mặt: khuyến khích lao động, ngăn chặn những phóng viên lười biếng, nhưng nếu không cẩn trọng thì không khuyến khích những người viết những bài khó. Hiện nay, vẫn còn nhiều tờ báo làm việc này chưa tốt cho nên không có bài hay, những trang báo trở nên nhàn nhạt. Chính vì vậy việc quy định định mức, đánh giá chất lượng tin bài phải có sự linh hoạt để khuyến khích được những tác phẩm hay mang hơi thở cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ phóng viên.

* Xin cảm ơn ông

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc