Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ ưu tiên trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

06:24, 30/11/2010

Ngày 25-11 vừa qua, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị Số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới” và triển khai thực hiện Chỉ thị Số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã dành cho phóng viên Báo Dak Lak cuộc phỏng vấn chung quanh nội dung này... 

*Đồng chí đánh giá thế nào về những kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trên địa bàn Dak Lak trong thời gian qua?

 

- Như chúng ta đã biết, tình hình an ninh trên địa bàn Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong những năm qua là tương đối phức tạp, do các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng trên địa bàn. Đặc biệt chúng đã kích động các đối tượng phản động bên trong, nhất là các tổ chức hoạt động Fulro đã gây nên một số tình hình phức tạp như biểu tình, bạo loạn, vượt biên... Trước tình hình đó, ngày 4-10-2006, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 05-CT/TW về việc “Tăng cường lãnh đạo bảo đảm công tác an ninh quốc gia trong tình hình mới”. Thực hiện chỉ thị này, Tỉnh ủy Dak Lak đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động cụ thể. Đồng thời đã ban hành nhiều Chỉ thị như số 23, 24 về chỉ đạo tình hình an ninh biên giới cũng như giải quyết tình hình Fulro trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy đã lãnh đạo thực hiện tốt một số công tác như sau:

Thứ nhất là đã tổ chức quán triệt, giáo dục, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ về tình hình cũng như âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trên cơ sở nắm vững các chủ trương theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị để cụ thể hóa thành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy cũng như chính quyền và các cơ quan ban ngành trên địa bàn của tỉnh. Từ đó tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương đơn vị mình, góp phần bảo vệ thành công công tác an ninh trên địa bàn.
Thứ hai là đã đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, giúp quần chúng nhân dân có nhận thức đúng đắn và trên cơ sở đó tạo ra sự đồng tình ủng hộ, xây dựng tinh thần đoàn kết nhất trí để thực hiện tốt nhiệm vụ; góp phần cùng với các cấp các ngành bảo vệ tốt công tác an ninh trên địa bàn ở từng khu dân cư, từng thôn, buôn, tổ dân phố và các cơ quan đơn vị, giữ vững ổn định, hòa bình và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.

Vấn đề thứ ba là đã tập trung xây dựng được thực lực chính trị, chủ yếu là xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể; đồng thời xây dựng lực lượng nòng cốt như lực lượng công an, quân sự, biên phòng... Đây chính là lực lượng nòng cốt trong phòng chống, giữ gìn an ninh trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, đến thời điểm này trên địa bàn của tỉnh, sau những năm chúng ta thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thì tình hình luôn giữ vững được ổn định, bảo đảm được cuộc sống hòa bình của nhân dân. Góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.

*Mới đây, ngày 22-10-2010, Bộ Chính trị tiếp tục có Chỉ thị số 48-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Xin đồng chí cho biết một số nội dung chính của Chỉ thị này?

- Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị là “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm”. Đây cũng là một nội dung gắn với nhiệm vụ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Yêu cầu của chỉ thị này là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác này phải được thực hiện trong tiến trình cải cách tư pháp, tôn trọng quyền dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân và phải lấy chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp tội phạm. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tội phạm. Tập trung điều tra, khám phá, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức...

Chỉ thị cũng đã chỉ ra một số nhiệm vụ chủ yếu cần phải thực hiện trong thời gian tới là: Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên xủa mình. Người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình tội phạm và tổ chức thực hiện công tác phòng chống tội phạm ở ngành, địa phương mình. Huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng và nhân dân. Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố và tiếp tục xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhất là ở các thành phố, thị xã lớn, tuyến biên giới trên bộ và trên biển. Kịp thời động viên, khen thưởng và hỗ trợ thỏa đáng đối với những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực, bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại tài sản trong việc phát hiện, điều tra tội phạm. Có chính sách bảo vệ cá nhân và gia đình những người tham gia làm công tác phòng chống tội phạm... Bên cạnh đó phải ngày càng củng cố, nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp chống tội phạm từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tập trung, chuyên sâu. Xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh để làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm...

*Với điều kiện thực tế của Dak Lak hiện nay, Tỉnh ủy đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị như thế nào, thưa đồng chí?

- Như tôi đã nói, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Dak Lak trong thời gian qua vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp. Việc ban hành Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị đã cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân... Để triển khai tốt Chỉ thị số 48 trên địa bàn của tỉnh, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, trên cơ sở quán triệt trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từ cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể, các ngành các cấp. Thông qua đó, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện này bao gồm một số nhiệm vụ trọng tâm như: Các cấp ủy, chính quyền phải đặt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ ưu tiên trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử… nhằm chủ động phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn các loại tội phạm. Đổi mới công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội được đặc xá, tha tù trở về địa phương, tạo điều kiện giúp họ sớm ổn định tái hòa nhập cộng đồng. Phát huy vai trò ảnh hưởng của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong việc tham gia phong trào phòng chống tội phạm. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm…

Trong đó, vấn đề trọng tâm hiện nay là làm sao tạo ra được sự nhất trí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiệt tốt nhiệm vụ. Đồng thời phải xây dựng lực lượng nòng cốt để làm tốt nhiệm vụ phòng chống tội phạm. Đặc biệt là chúng ta chú ý giải quyết các loại tội phạm nguy hiểm, các loại tội phạm mới và các loại tội phạm xâm hại trẻ em. Đây là những vấn đề cần phải được quan tâm trên địa bàn trong thời gian sắp đến.

*Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Cường (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc