Multimedia Đọc Báo in

Để Bảo tồn Thủy tùng không… “nằm trên giấy”

14:36, 31/12/2011

Ngoài giá trị khoa học, kinh tế, Thủy tùng còn là cây dược liệu quý. Vấn đề bảo tồn loài – sinh cảnh này càng trở nên cấp bách khi nguy cơ tuyệt chủng đang hiện hữu. P.V Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với PGS.TS BẢO HUY, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Khoa Nông lâm (Trường Đại học Tây Nguyên) xung quanh vấn đề này.

Đoàn khảo sát, nghiên cứu về Thủy tùng của PGS.TS Bá Huy trong chuyến đi thực địa.
Đoàn khảo sát, nghiên cứu về Thủy tùng của PGS.TS Bá Huy trong chuyến đi thực địa.

*Thưa PGS.TS Bảo Huy, trước hiện trạng quần thể Thủy tùng tự nhiên đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì vấn đề về bảo tồn loài – sinh cảnh quý hiếm này cần được quan tâm như thế nào?
 -Không chỉ dừng lại ở mối quan tâm của giới nghiên cứu khoa học mà phải cần sự nhập cuộc của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư. Nói cách khác, nó phải trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

*Là quần thể sinh thái đã chịu sự xâm hại, tác động mạnh mẽ của môi trường tự nhiên và con người, việc bảo tồn quần thể này sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?
-Hiện tại quần thể này còn rất hẹp, đa dạng di truyền cũng hẹp và bị tác động mạnh, làm suy thoái cấu trúc quần thể và gây bất lợi cho loài này. Thách thức đầu tiên là làm thế nào quần thể này không bị suy thoái. Tiếp theo đó là việc nhân giống và phát triển thêm cá thể, quần thể; bởi cho đến nay, tuy đã có công bố về khả năng nuôi cấy mô Thủy tùng, nhưng vẫn còn dừng lại trong phòng thí nghiệm; việc huấn luyện cây con và đưa ra gây trồng chưa có kết quả, trong khi đó công tác nghiên cứu về tái sinh tự nhiên chưa được tiến hành. Mới đây, đoàn nghiên cứu của Đại học Tây Nguyên đã phát hiện một khả năng mới đó là khả năng tái sinh chồi trên rễ thở, tuy nhiên cần phải có quá trình thử nghiệm, đánh giá. Một thách thức nữa là nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài còn hạn chế, việc săn lùng Thủy tùng phục vụ cho “thú chơi” của một bộ phận dân cư đã đe dọa trực tiếp đến loài – sinh cảnh này.

Quần thể thủy tùng ở Ea Ral (Ea H'leo).
Quần thể thủy tùng ở Ea Ral (Ea H'leo).

*Có nhận định rằng: “Vấn đề bảo vệ, bảo tồn chỉ thực sự được quan tâm khi một loài sinh vật nào đó đang ở mức nguy cấp”, ông nghĩ gì về điều này? Như đàn voi chẳng hạn, vấn đề bảo tồn được đặt ra khi sự suy giảm đàn voi nhà cũng như voi rừng đáng báo động; và nay lại đến Thủy tùng?
-Đó là một thực tế. Cả hai loài này chúng ta làm quá muộn, khi chúng có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn và việc phục hồi vô cùng khó khăn. Điều này cũng do hạn chế trong nhận thức về môi trường, đa dạng sinh học của chúng ta trong thế kỷ 20. Bên cạnh đó, việc khai thác đã lạm dụng tài nguyên dẫn đến nhiều loài gần như bị tuyệt diệt. Quan điểm bảo tồn là bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ loài quý hiếm mà cả hệ sinh thái, quần thể, trong đó bao gồm những loài quý hiếm và các loài phổ biến khác, có như vậy mới bền vững. Bảo tồn bền vững cần được đặt ra một cách có hệ thống, trên cơ sở tiếp cận bảo tồn sự đa dạng của các hệ sinh thái đến loài và gen.

*Có một thực tế nhiều dự án bảo tồn hiện nay chỉ dừng lại ở ý tưởng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu (tức chỉ nằm trên giấy), vậy đối với dự án Bảo tồn loài – sinh cảnh  Thủy tùng, làm thế nào để nó có thể hiện thực hóa?
-Điều này phụ thuộc vào các yếu tố: nhận thức và sự quan tâm của nhà quản lý và khả năng về nguồn lực của địa phương. Do vậy, để dự án bảo tồn Thủy tùng trở thành hiện thực, cần quan tâm quy hoạch lại diện tích bảo tồn cho quần thể và thực hiện nghiêm túc cơ chế bảo vệ rừng đặc dụng; xây dựng được một bộ máy có đủ năng lực bảo tồn (vì hiện nay, những nỗ lực của chính quyền địa phương, các ngành, chức năng chỉ dừng lại ở mức bảo vệ). Trong đó, thực hiện được các chương trình quan trọng: cải thiện được sinh cảnh quần thể Thủy tùng đang suy thoái; nghiên cứu khả năng tái sinh chồi trên rễ thở; nghiên cứu và gây trồng được cây con từ nuôi cấy mô, dâm hom từ nguồn vật liệu là rễ thở hoặc thân cây non tái sinh. Các chương trình này cần được làm có bài bản hệ thống với sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học, nhà trường, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước kèm theo kinh phí đầu tư tương xứng, có trọng điểm.

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc