Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện chất lượng cà phê xuất khẩu: Góp phần tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm

08:23, 11/03/2011

Sản lượng xuất khẩu nhiều, nhưng chủ yếu xuất thô nên giá trị thấp - đó là một nghịch lý trong ngành cà phê nói riêng cũng như ngành nông sản nói chung. Trong định hướng phát triển ngành cà phê bền vững, một nội dung hết sức quan trọng là phải cải thiện hình ảnh, chất lượng cà phê xuất khẩu, góp phần tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

PGS.TS.Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Liên kết để tạo ra sản phẩm chế biến sâu

 
Muốn gia tăng giá trị cao thì phải giảm sản phẩm thô, tăng chế biến sâu, điều này ai cũng thấy, nhưng thực hiện như thế nào thì không đơn giản, vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trước hết, phải có máy móc, thiết bị hiện đại, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật có thể chế biến sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ, muốn làm điều này cần nguồn vốn đầu tư không nhỏ, bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) tự làm riêng lẻ rất khó. Để có vốn đầu tư, các DN phải có sự liên kết, hoặc Nhà nước có chính sách cho DN vay ưu đãi để nhập khẩu thiết bị, hoặc kêu gọi đầu tư nước ngoài… Như vậy, cần có các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, phải nâng cao trình độ quản lý, khả năng tiếp cận thị trường thời hội nhập cho cả DN và nông dân. Trong kinh tế thị trường, điều quan trọng hàng đầu là tìm ra thị trường và bán được sản phẩm, DN phải tính toán kỹ lưỡng việc mua của nông dân và bán ra thị trường như thế nào, DN được hưởng ở mức độ nào, chia sẻ lợi ích với người trồng cà phê ra sao, do đó cần sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân. Sự liên kết ấy phải được ràng buộc bằng hợp đồng và thực hiện nghiêm túc hợp đồng, có chế tài đối với những vi phạm. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cũng cần củng cố, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị mua - bán với đối tác lâu dài; đồng thời có chiến lược cụ thể để tiếp cận với những thị trường mới giàu tiềm năng. Mỗi thị trường có nhu cầu khác nhau về sản phẩm do đó muốn xuất khẩu vào thị trường nào cần phải nắm rõ nhu cầu thị trường đó. Điều này cần đến vai trò hiệp hội, chính hiệp hội sẽ là đầu mối thông tin giúp các DN thâm nhập thị trường định xuất khẩu. Khi nâng cao trình độ, DN sẽ biết cách tính toán sao cho giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, bán được nhiều sản phẩm, thu lợi từ giá trị gia tăng.       

Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện UTZ Certified tại Việt Nam: Cần nhiều kênh thông tin đến với người trồng cà phê

 

Thực tế qua công tác xuất khẩu cà phê thời gian qua, có thể nhận thấy: chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng đang thua kém các nước trồng cà phê trên thế giới, dẫn đến giá cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại. Đây là thiệt thòi lớn đối với ngành cà phê và người trồng cà phê. Để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, trước hết cần có những bước đột phá ở khâu sản xuất, đặc biệt là giúp nông dân áp dụng rộng rãi những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và thu hoạch cà phê. Đồng thời, khuyến khích người làm cà phê theo hướng bền vững, trong đó có việc áp dụng các bộ nguyên tắc trong sản xuất cà phê để đáp ứng yêu cầu của thế giới về chất lượng cà phê xuất khẩu và tăng giá trị sản phẩm. Muốn vậy cần xây dựng nhiều kênh thông tin để nông dân vùng nào cũng dễ dàng tiếp cận khi họ cần. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những tiêu chuẩn và chế tài rõ ràng đối với cà phê xuất khẩu, tức là kiểm tra chặt chất lượng trước khi cho xuất, nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị trả về. Một khi sản phẩm kém chất lượng không có đầu ra thì từ doanh nghiệp đến nông dân sẽ phải tự điều chỉnh lại phương pháp sản xuất và thu mua. Theo đó, sản xuất và tiêu thụ cà phê sẽ đi vào lộ trình bền vững và chất lượng cà phê sẽ được nâng lên.

Ông Ed Nemeroff, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp Dự án USAID/STAR-Việt Nam: Cạnh tranh bằng việc tạo “điểm nhấn” cho sản phẩm

 
Qua kinh nghiệm làm việc tại một số quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, tôi nhận thấy họ rất nỗ lực tạo sự khác biệt cho sản phẩm, từ đó bán được giá cao hơn hẳn so với sản phẩm bình thường, dù hương vị, chất lượng giữa các loại cũng không có gì khác biệt nhiều. Vì thế mới có chuyện, những nước thu được nhiều lợi nhuận từ cà phê lại là các nước không trồng cà phê! Còn Việt Nam, với lợi thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nếu có chiến lược cải thiện hình ảnh cà phê xuất khẩu thì sẽ mang lại giá trị gia tăng không nhỏ. Trong kinh doanh cà phê, khi trên thế giới có những tập đoàn, công ty đa quốc gia khống chế toàn bộ việc kinh doanh thì vấn đề marketing đóng vai trò quyết định. Trong tiến trình hội nhập, DN VN ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu nên phải luôn cập nhật thông tin về thị trường mình muốn tiếp cận, chiếm lĩnh. Không chỉ tìm hiểu xem thị trường đó có nhu cầu hàng hóa gì, yêu cầu tiêu chuẩn thế nào, mà các DN còn phải chứng minh đã làm gì để hàng hóa của mình đáp ứng tiêu chuẩn đó. Có thể nói, tiêu chuẩn và chứng nhận tiêu chuẩn  là yếu tố rất quan trọng cho cà phê Việt Nam khác các nước khác. Ví dụ: nhà xuất khẩu cà phê VN có thể đưa những thông điệp về chất đất, cách thu hoạch truyền thống bảo đảm hài hòa yếu tố môi trường, giữ được hương vị nguyên chất của cà phê trong tự nhiên…Các nhà xuất khẩu cà phê VN mới xuất khẩu qua thương nhân trung gian, chưa thâm nhập được giới rang xay nên chưa thể nắm bắt hết yêu cầu chất lượng và thiết kế chất lượng cho cà phê của mình. Do đó, DN VN cũng nên hợp tác với nhà nhập khẩu, vì chính họ là người hiểu rõ nhất về yêu cầu tiêu chuẩn với mặt hàng họ cần nhập.

Ông Trần Văn Chương, thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột: Cần thay đổi tập quán sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm

 

Giá cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới luôn thấp hơn so với mặt bằng chung, dẫn đến lợi nhuận thu được từ vườn cà phê cũng thấp, nguyên nhân chủ yếu do chất lượng sản phẩm không bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, người trồng cà phê cần thay đổi nhận thức trong tập quán sản xuất của mình. Chất lượng cà phê phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ chăm sóc, thu hái đến chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên theo tôi, thời điểm thu hoạch cùng với việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đóng vai trò quan trọng nhất. Nhiều người trồng cà phê thường theo tập quán sản xuất, cứ cắn quả cà phê thấy cứng thì dù xanh vẫn thu hoạch, bởi theo họ, thu hoạch như thế sẽ giảm được chi phí mà không sợ mất trộm. Thế nhưng ít ai để ý rằng, thu hái xanh sẽ làm giảm sản lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, việc bảo quản sản phẩm cà phê sau thu hoạch cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Thời gian gần đây, với việc siết chặt quá trình thu hoạch của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi thu hái đạt trên 95%, cùng với việc tư thương ép giá nếu cà phê không bảo đảm chất lượng, đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người nông dân. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững, mỗi người trồng cà phê cần phải thay đổi triệt để tập quán sản xuất của mình.

Ông A Ma Vôn, Buôn Krông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột: Cần mở rộng mô hình liên kết trong sản xuất cà phê

 

Là người làm cà phê lâu năm, tôi nhận thấy sản xuất cà phê ở Dak Lak còn nhỏ lẻ vì diện tích chủ yếu thuộc các hộ gia đình. Theo đó, việc đầu tư cho sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học không đồng bộ dẫn đến chất lượng không đồng đều và thua kém các nước cùng sản xuất cà phê trên thế giới. Hiện nay, một số nông dân trồng cà phê ở xã Ea Tu, Hòa Đông, Cư Êbur đã được tham gia vào liên minh sản xuất cà phê của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, tôi thấy họ đã dần thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu trước kia. Các hộ đã tiến hành cải tạo vườn cây, bón phân hợp lý, đặc biệt là đã áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo các bộ tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới nên không những năng suất chất lượng tăng mà giá trị xuất khẩu cũng tăng theo. Đó là hiệu quả rõ ràng nhất mà mô hình liên kết sản xuất mang lại. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, theo tôi, trước hết phải mở rộng các mô hình liên kết hộ nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm giúp người trồng cà phê được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Làm được như vậy, sẽ góp phần không nhỏ trong việc ổn định sản xuất theo hướng bền vững và nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.

Hoa Thuận Nam (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc