Multimedia Đọc Báo in

Nên chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, tính cách và điều kiện của mỗi người

11:07, 06/03/2011

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011-2012 đang đến gần. Để giúp các thí sinh có thêm kiến thức và định hướng trong việc chọn trường, chọn ngành, Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Lê Công Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

PV: Thưa TS, Trường Đại học Kiến trúc (ĐHKT) Đà Nẵng chỉ đào tạo kiến trúc sư hay còn đào tạo ngành nào khác?
TS. Lê Công Toàn: Ngoài thế mạnh về kiến trúc, Trường còn là cơ sở đào tạo đa ngành. Trong đó, trình độ đại học có 12 ngành: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Kỹ thuật công trình xây dựng (dân dụng và công nghiệp), Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng (hạ tầng đô thị), Quản lý xây dựng, Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (Tiếng Anh biên - phiên dịch, Tiếng Anh du lịch). Trình độ cao đẳng có 4 ngành: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường), Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, Trường còn có các phương thức đào tạo khác như: Đại học bằng thứ hai, học cùng lúc hai chương trình; liên thông từ CĐ lên ĐH.

Trường đào tạo theo học chế tín chỉ, tạo điều kiện để sinh viên có năng lực học tập tốt có thể rút ngắn thời gian học, tốt nghiệp ra trường sớm hơn. Năm 2011, Trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển cả 3 nguyện vọng (NV) 1, 2, 3 căn cứ vào kết quả thi ĐH, CĐ năm 2011 của những thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các trường có tổ chức thi.

PV: Tiến sĩ có thể cho biết những lợi thế của Trường ĐHKT Đà Nẵng?
TS. Lê Công Toàn: Trường ĐHKT Đà Nẵng là một trong ba trường ĐHKT của cả nước (ĐHKT Hà Nội, ĐHKT TP. Hồ Chí Minh và ĐHKT Đà Nẵng) trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường từ Ban Giám hiệu đến các khoa gồm Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đều là những nhà giáo lâu năm, có trình độ chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm trong quản lý giáo dục ĐH và một đội ngũ giảng viên tận tâm nhiệt tình, có trình độ kiến thức tốt, phương pháp giảng dạy tích cực, bảo đảm chất lượng đào tạo.
Trường có quy mô đào tạo 12.000 sinh viên, cơ sở vật chất không ngừng được tăng cường với các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, phòng máy tính, thư viện sách và thư viện điện tử khang trang hiện đại, bảo đảm cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên. Nhà trường đã hợp đồng sử dụng một chung cư 500 chỗ và các nhà trọ ở khu vực 3 phường gần trường với giá cả hợp lý tạo thuận lợi về chỗ ở cho sinh viên.

PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp?
TS. Lê Công Toàn: Việc làm hiện nay là một bài toán giữa các cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng. Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là tiêu chí được đặt ra đối với lãnh đạo nhà trường. Vì vậy, nhà trường luôn hoàn thiện Chương trình đào tạo bảo đảm kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của ngành đào tạo để sinh viên ra trường làm tốt công việc của mình và có đủ năng lực tự học, tự nghiên cứu và học lên trình độ cao hơn. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn cung cấp các “kỹ năng mềm” giúp sinh viên chủ động, tự tin khi tham gia phỏng vấn cũng như tiếp cận tốt với môi trường làm việc trong công sở, doanh nghiệp, gắn liền với trách nhiệm cộng đồng. Đồng thời, sinh viên còn được trang bị các “kỹ năng công cụ” (tin học, ngoại ngữ) giúp họ “bắt nhịp nhanh” trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Với chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội thì sinh viên tốt nghiệp có nhiều lợi thế trong tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

PV: Tiến sĩ có lời khuyên gì đối với các em học sinh khi chọn ngành, chọn trường?
TS. Lê Công Toàn: Khi quyết định lựa chọn ngành, nghề nào đó, phụ huynh và học sinh cần chú ý đến 3 vấn đề sau: sự phù hợp năng lực của cá nhân với nghề; sự hứng thú, say mê với nghề và nhu cầu của xã hội. Khi lựa chọn ngành, nghề để học tập không nên chỉ dựa vào sở thích ngẫu hứng hoặc theo số đông bạn bè mà nên tìm hiểu về cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp, xác định mình thích nghề nào, tính cách, giá trị và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không; sau đó mới đến việc tìm xem để làm nghề đó thì nên học ngành nào. Việc chọn được ngành, nghề phù hợp với sở thích lâu dài, tính cách, năng lực và điều kiện của mỗi người chính là yếu tố giúp họ thành công trên cả con đường học vấn lẫn sự nghiệp.

Sau khi đã xác định bản thân mình phù hợp với nghề nghiệp nào, nên tìm hiểu các thông tin về ngành nghề mình lựa chọn như: mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình đào tạo, ngành nghề đó có đặc điểm gì, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, sức khỏe ra sao, học xong có thể làm gì, ở đâu, xã hội đang yêu cầu gì ở những người học trong ngành nghề đó và xu hướng phát triển của ngành nghề.

Về chọn trường theo học, thí sinh cần đánh giá đúng khả năng của mình, bởi vì nếu đánh giá không đúng có thể từ chỗ thi đỗ dẫn đến thi hỏng do đạt điểm sàn nhưng không đủ điểm trúng tuyển. Vì vậy, thí sinh có thể thi vào một trường và đăng ký xét tuyển vào một trường khác.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc