Multimedia Đọc Báo in

Nông dân với Lễ hội Cà phê

08:14, 11/03/2011

Làm thế nào để nâng cao chất lượng, giá trị hạt cà phê, qua đó tăng thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm phát triển bền vững là niềm mơ ước, trăn trở của cả trăm nghìn hộ nông dân trong tỉnh. Nhân Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III – năm 2011, Báo Dak Lak xin giới thiệu một số ý kiến của nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra hạt cà phê… 

* Ông Y Chua, buôn Treng, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo: Sớm đầu tư các trạm giống ở những huyện chuyên canh cây cà phê

 
Phần lớn diện tích cà phê do nông dân tự chọn giống để trồng nên đã và đang bộc lộ nhiều nhược điểm, nhất là dễ mắc bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến sản lượng và chất lượng sản phẩm. Nông dân chúng tôi cũng muốn thay thế bằng loại giống có chất lượng cao hơn nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một cơ sở sản xuất giống uy tín.
Nhân Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành có liên quan sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn này cho nông dân. Theo tôi, để nông dân có thể chọn được giống cà phê đạt chất lượng, trước mắt, ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất giống cà phê. Đối với những cơ sở đủ điều kiện sản xuất cây giống thì nghiên cứu, yêu cầu họ niêm yết công khai các giấy chứng nhận có liên quan tại điểm sản xuất và bán cây giống. Đối với những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất phải bị xử lý nghiêm, đồng thời công khai tên các cơ sở này trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân biết. Còn về lâu dài, tỉnh nên đầu tư xây dựng một số điểm hoặc trạm sản xuất cà phê giống ở những huyện có đủ điều kiện phát triển cà phê với diện tích lớn. Điều này không chỉ giúp người dân dễ dàng chọn được giống cây trồng có chất lượng mà còn tiết kiệm cho họ nhiều thời gian, chi phí do không phải tập trung về Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên để đặt mua cây giống.

* Ông Nguyễn Đắc Diệu, thôn Tân Thành, xã Ea Toh (huyện Krông Năng): Mong rằng Lễ hội Cà phê là cầu nối giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ

 

Với 3 ha cà phê, hằng năm gia đình tôi thu về trên 10 tấn cà phê nhân, nhưng điều tôi lo lắng nhất vẫn là sự bất ổn của thị trường tiêu thụ. Năm cà phê được mùa thì mất giá và ngược lại, như thế sẽ tạo cho người nông dân một tâm lý không yên tâm để sản xuất. Tôi được biết, Lễ hội Cà phê sẽ là dịp để quảng bá, khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đi khắp thế giới, đó là tín hiệu rất mừng đối với người trồng cà phê. Thế nhưng, điều mà bản thân tôi cũng như nhiều hộ trồng cà phê khác mong đợi nhất ở Lễ hội Cà phê lần này là làm sao, mỗi hoạt động, chương trình trong khuôn khổ lễ hội đều hướng tới mục đích là chiếc cầu nối gần nhất, mang tính lâu dài giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ (chủ yếu là các doanh nghiệp thu mua loại mặt hàng này).
Theo tôi, tìm kiếm được mối tiêu thụ lâu dài có tác động tích cực đối với người sản xuất và người kinh doanh. Thứ nhất, nông dân làm ra sản phẩm không phải loay hoay với việc lựa chọn nên bán sản phẩm cho ai. Thứ hai người kinh doanh cũng dễ dàng hơn trong việc thu mua sản phẩm. Một khi giá cà phê ổn định và có xu hướng tăng cao sẽ là niềm phấn khởi lớn nhất đối với người dân, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và là động lực để người dân gắn bó lâu dài với loại cây này.

* Ông Y Bhưt Êban, buôn Krông B, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột): Mong Lễ hội Cà phê có nhiều hoạt động bổ ích dành cho nông dân

 
Tôi đã có dịp tham dự một số hoạt động trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I và lần thứ II. Trong các lần Lễ hội vừa qua, đã có những hoạt động thực sự bổ ích đối với nông dân trồng cà phê như: trình diễn mô hình chế biến cà phê ướt với quy mô hộ gia đình ở Lễ hội lần thứ I hay Hội thi “Nhà nông sản xuất cà phê giỏi và hội nhập” trong Lễ hội lần thứ II. Qua những hoạt động này, những người trồng cà phê như chúng tôi có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm quý giá trong việc trồng, chăm sóc và chế biến cà phê. Điều tôi nhận thấy nữa là, qua các lần Lễ hội, Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học đã bàn thảo, đặt ra nhiều vấn đề về việc phát triển cà phê bền vững, nhất là sản xuất cà phê vừa nâng cao chất lượng vừa bảo đảm các yếu tố môi trường, xã hội. Nhờ vậy, trong những năm qua, bà con nông dân đã được tham gia những Liên minh sản xuất cà phê bền vững, được làm quen với cách trồng và chăm sóc cà phê một cách khoa học hơn, đạt năng suất cao hơn. Tại Lễ hội lần thứ III này, tôi mong muốn sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến cà phê sạch; được tìm hiểu về cách thức pha chế, thưởng thức cà phê của nhiều vùng miền, địa phương; được tiếp cận với các nguồn đầu tư nhằm tiếp tục cải tiến phương thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn, có năng suất và chất lượng cao hơn.

*Ông Y’Rai Niê, buôn H’Đinh, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar): Nông dân sẽ được học hỏi kinh nghiệm qua Lễ hội Cà phê

 
Là ông chủ của hơn 5 ha, gần 50 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây cà phê, nhưng già vẫn thấy mình cần học hỏi nhiều hơn nữa để rẫy cà phê nhà mình mỗi năm quả lại thêm sai, chất lượng tốt hơn năm trước. Cứ mỗi lần tỉnh tổ chức Lễ hội cà phê, già thường chăm chăm vào cái ti vi để theo dõi các hoạt động diễn ra trong lễ hội, điều thích nhất là các đoạn phim giới thiệu về các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê và các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất như béc tưới, máy tách vỏ, máy chế biến cà phê ướt của các thương hiệu nổi tiếng. Theo già. đó là những cái gần gũi, thiết thực và dễ nhớ nhất đối với người nông dân.
Hy vọng rằng trong Lễ hội Cà phê năm nay, các sở, ngành sẽ giới thiệu những cách làm hay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trồng cà phê trong việc giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chất lượng, đồng thời các doanh nghiệp sẽ có nhiều sản phẩm mới, tiên tiến phục vụ việc sản xuất cà phê. Buôn mình có hơn 90% người dân sống dựa vào cây cà phê nên mỗi lần học hỏi được kinh nghiệm ở đâu, già đều truyền đạt lại cho con cháu và mọi người dân để họ áp dụng ở vườn cà phê nhà mình, góp phần xây dựng một buôn làng no ấm, giàu mạnh về kinh tế, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào Êđê.

* Ông Bùi Ngọc Triển, tổ dân phố 7, phường Thiện An (TX. Buôn Hồ): Nghiên cứu cách thức quản lý
các đại lý cà phê

 

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến chất lượng cà phê giảm sút, hạn chế tính cạnh tranh là mọi người lại đổ lỗi cho nông dân sản xuất không khoa học, thu hái non… Thật ra, những hạn chế của nông dân cũng ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê, song không phải là tất cả.
Chẳng hạn, trước mỗi vụ cà phê, UBND tỉnh đều có văn bản đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể vận động nông dân thu hái chín… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ý kiến chỉ đạo của tỉnh chưa được thực hiện nghiêm túc. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng kể nhất là không có sự khác biệt nào giữa giá bán cà phê hái xanh và hái chín. Vào mỗi vụ cà phê, rất nhiều tư thương tổ chức mua ngay tại rẫy cà phê của nông dân. Giá mua của những người này không thấp hơn giá thị trường là mấy, hơn nữa họ không yêu cầu quá khắt khe về tỷ lệ quả chín nên tính ra nông dân không bị thiệt, nếu không muốn nói là vẫn có lợi. Muốn thu hái quả chín, người sản xuất phải bỏ thêm chi phí canh giữ, tổ chức hái thành nhiều đợt nhưng giá bán tăng thêm không đáng kể nên ít nông dân tuân thủ quy định thu hái cà phê chín cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra là các đại lý mua gom cà phê tạm gọi là chưa đạt chuẩn của nông dân rồi bán lại cho ai? Chắc chắn là phải có nơi tiêu thụ thì họ mới dám bỏ vốn ra thu mua. Số doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn, có chức năng xuất khẩu là không nhiều nên Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát, yêu cầu các đơn vị này tuân thủ nghiêm túc quy định. Khi các đơn vị này chỉ mua cà phê đạt chất lượng thì ngay lập tức số cà phê thu hái non của nông dân sẽ không có nơi tiêu thụ. Và, khi không có nơi tiêu thụ thì chẳng người sản xuất nào lại thu hái xanh.
Liên quan đến các đại lý kinh doanh cà phê, các cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát lại hệ thống đại lý; nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý hoạt động kinh doanh của các đại lý cà phê cho phù hợp. Hiện tại, việc thành lập đại lý quá dễ dàng đã sinh ra những đại lý năng lực tài chính kém, mượn vốn của dân kinh doanh rồi tuyên bố mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng đối với không ít hộ nông dân.

* Chị H’Wơt Ênuôl, buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột): Cần duy trì và mở rộng các mô hình phát triển cà phê bền vững

 

Gần 2 năm nay, gia đình tôi và các hộ khác trong buôn tham gia Liên minh sản xuất cà phê bền vững của Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê 2-9 và kết quả đạt được rất đáng phấn khởi.
Có thể nói, khi tham gia mô hình phát triển cà phê bền vững, nông dân chúng tôi được làm quen với phương thức sản xuất cà phê chuyên nghiệp hơn, sạch hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, trong việc bón phân, người nông dân thường có gì bón nấy, có đạm thì bón đạm, kali thì rải kali, còn bây giờ thì bà con được hướng dẫn nên bón các loại phân bón tổng hợp như NPK, các loại bao bì hoặc vỏ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất không được vứt bừa bãi mà phải thu gom lại. Ngoài ra còn được hướng dẫn những kỹ thuật như tỉa cành, bẻ chồi, đào bồn… sao cho cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Hiện nay, trong số khoảng 3 ha cà phê của gia đình, tôi đã tiến hành ghép chồi trên 6 sào và trồng mới bằng giống cà phê được Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp; kết quả đạt được rất khả quan. Năm nay, sản phẩm thu hoạch hầu hết bà con đều bán cho doanh nghiệp trong Liên minh, mỗi ki-lô-gam cà phê đều được mua theo đúng giá thị trường và được cộng thêm 200 đồng nữa, không còn cảnh bị tư thương ép giá như mọi năm. Mong rằng qua Lễ hội Cà phê lần này, hiệu quả của các mô hình cà phê bền vững sẽ được tuyên truyền, giới thiệu để Nhà nước tiếp tục duy trì, mở rộng hơn nữa chương trình này, mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân.

Lê Ngọc - Hoàng Tuyết - Hồng Thủy (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc