Bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật và thực sự là ngày hội của toàn dân
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và trong cùng một ngày 22-5-2011. Cuộc bầu cử là dịp để cử tri tiếp tục đóng góp xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Hiện nay, Dak Lak đang tập trung thực hiện các bước chuẩn bị cho ngày hội lớn của dân tộc. Để có cái nhìn đầy đủ và tổng thể hơn về cuộc bầu cử lần này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với đồng chí HOÀNG TRỌNG HẢI, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh.
*Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 có nhiều điểm mới so với những lần bầu cử trước. Vậy xin đồng chí cho biết cụ thể một số điểm mới trong cuộc bầu cử lần này?
-Nét mới, nổi bật trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là, lần đầu tiên kể từ năm 1945 đến nay, cử tri sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu cử 4 cấp chính quyền gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện và cấp cơ sở trong cùng một ngày. Việc này sẽ góp phần giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đồng thời giảm thời gian, áp lực công việc và cả chi phí trong hoạt động bầu cử. Điểm thứ hai, theo quy định của cuộc bầu cử lần này, số lượng đại biểu HĐND các cấp có tăng lên. Đối với cấp xã, trong Luật Bầu cử trước đây, quy định tối đa 25 đại biểu, nay tăng lên 35 đại biểu. Đối với đại biểu HĐND cấp huyện, quận, thị xã trực thuộc tỉnh, quy định trước đây chỉ có 35 người, từ nhiệm kỳ này tối đa có 40 người. Đối với cấp tỉnh vẫn giữ mức tối đa có 85 đại biểu, những tỉnh, thành phố lớn có mức quy định riêng. Điểm thứ ba, trong cuộc bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử Trung ương có quy định cụ thể về tỷ lệ đại biểu nữ và đại biểu tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là người ngoài Đảng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBBC tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ở huyện Ea Kar. |
*Xin đồng chí cho biết những công việc cụ thể mà UBBC các cấp trong tỉnh đã tiến hành cho đến thời điểm hiện nay?
-Trong thời gian vừa qua, UBBC các cấp trong tỉnh đã tiến hành triển khai các bước của cuộc bầu cử một cách chặt chẽ, nhịp nhàng theo đúng quy định của pháp luật. UBBC tỉnh đã có kế hoạch tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sửa đổi, các văn bản có liên quan đến công tác bầu cử trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tiến hành các bước chuẩn bị công tác nhân sự thông qua Ủy ban MTTQ phối hợp với UBBC và các cơ quan, đoàn thể có liên quan. Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành hiệp thương giới thiệu, lựa chọn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành thành lập các UBBC, căn cứ vào số lượng cử tri, dân số của từng địa phương để thành lập các tổ bầu cử. Ngoài công tác tuyên truyền và thành lập các UBBC, tổ bầu cử, tỉnh cũng chú trọng công tác an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã thành lập 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội với 13 ứng cử viên; 22 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII với 142 ứng cử viên; 164 đơn vị bầu cử cấp huyện, thành phố, thị xã với 915 ứng cử viên và 1.670 đơn vị bầu cử cấp xã, phường, thị trấn với khoảng 7.500 ứng cử viên. Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và công tác đối với các ứng cử viên diễn ra thuận lợi. Phần lớn cử tri nhận xét những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đủ điều kiện, tiêu chuẩn để làm người đại biểu của nhân dân.
*Thưa đồng chí, việc chọn người tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này như thế nào? Có đại biểu tự ứng cử không?
-Việc lựa chọn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp lần này, trên cơ sở các quy định của Luật Bầu cử, các hướng dẫn của Trung ương, UBBC của tỉnh đã cụ thể hóa thành các văn bản cụ thể, sát sao trong từng lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức thực hiện lựa chọn nhân sự thông qua các bước hiệp thương do Mặt trận các cấp tiến hành. Đến thời điểm này, công tác nhân sự trên địa bàn tỉnh đã bước sang bước 4 theo quy trình hiệp thương do Mặt trận hướng dẫn. Kết quả cụ thể còn chờ đến bước 5 tức lần hiệp thương lần cuối trước ngày 18-4. Qua 4 bước tổ chức giới thiệu, lựa chọn nhân sự cho thấy, về cơ bản những đại biểu được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp bảo đảm được các tiêu chuẩn và yêu cầu của Luật Bầu cử.
Trên địa bàn tỉnh ta không có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đến thời điểm này. Đối với đại biểu HĐND các cấp thì có hai người tự ứng cử và trải bước 4 quy trình hiệp thương vẫn giữ nguyên danh sách tự ứng cử. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các bước hiệp thương theo quy định của Luật Bầu cử. Vấn đề ứng cử tự do cũng là một trong những nội dung quan trọng được đặt ra trong công tác bầu cử các nhiệm kỳ vừa qua và kể cả lần này. Vì vậy, UBBC tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người tự ứng cử thực hiện quyền tự do ứng cử.
*Thưa đồng chí, để ngày bầu cử (22-5) diễn ra tốt đẹp và thực sự là ngày hội của toàn dân, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có những bước chuẩn bị như thế nào?
-Để bảo đảm thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, sau các bước tiến hành thành lập UBBC, tổ bầu cử và hiệp thương giới thiệu, lựa chọn nhân sự, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bầu cử ở cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Mặt khác tiếp tục rà soát, lập danh sách cử tri trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm cho toàn thể công dân thực hiện tốt quyền bầu cử của mình, không để xảy ra tình trạng bị sót, thiếu làm ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm của cử tri trong việc tham gia xây dựng chính quyền các cấp.
Cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc