Hậu kiểm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm: Xử lý kịp thời nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng
Từ năm 2010, tỉnh ta bắt đầu triển khai công tác hậu kiểm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm trên thị trường. Thông qua công tác hậu kiểm, ngành chức năng có thể đánh giá chất lượng VSATTP của sản phẩm thực phẩm, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về công tác hậu kiểm, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh TRẦN THỊ MAI về hoạt động này.
* Thưa bà, công tác hậu kiểm có ý nghĩa như thế nào đối với việc quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn?
Hậu kiểm là hoạt động kiểm tra, thanh tra sau khi cơ sở đã hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống hay là trường hợp sản phẩm hàng hóa đã lưu thông trên thị trường, sản phẩm quảng cáo đã đến với công chúng. Công tác hậu kiểm chính là các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật sau khi cơ sở đã đi vào hoạt động, sản phẩm hàng hóa đã lưu thông trên thị trường. Trên thực tế, hậu kiểm không phải là mới đối với việc quản lý chất lượng VSATTP, tuy nhiên năm 2010, là năm đầu tiên thực hiện chương trình hậu kiểm chất lượng VSATTP được thực hiện đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm, từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, buôn bán, vận chuyển cho đến khi sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh. Thông qua công tác hậu kiểm nhằm đánh giá thực trạng về chất lượng VSATTP của một số mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao, kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm để từng bước tăng cường công tác quản lý Nhà nước về mặt chất lượng, VSATTP, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng hàng hóa nông sản. Đồng thời, trên cơ sở kết quả hậu kiểm, ngành chức năng có thể nắm bắt được thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước có chất lượng, hiệu quả, bảo đảm chất lượng VSATTP
* Những đối tượng nào sẽ được hậu kiểm chất lượng VSATTP, thưa bà?
Đối tượng chính của công tác hậu kiểm là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống. Hậu kiểm để đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật sau khi đã thực hiện các hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ thực phẩm và đã có những sản phẩm đưa ra thị trường. Đối với cơ sở thực phẩm sẽ ưu tiên hậu kiểm điều kiện VSATTP của các cơ sở có nguy cơ cao, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Còn đối với sản phẩm thực phẩm sẽ căn cứ tình hình địa phương, tập trung hậu kiểm về chất lượng các nhóm thực phẩm chính, gồm: sữa, các sản phẩm từ sữa; các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; thịt và các sản phẩm từ thịt; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước giải khát… Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm còn được thực hiện đối với cả các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP nhằm đánh giá việc thực thi các Văn bản quy định của Nhà nước trong quá trình tham gia quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP.
Buôn bán thực phẩm trên hè phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. |
* Ở tỉnh ta, công tác hậu kiểm chất lượng VSATTP bắt đầu được thực hiện từ năm 2010. Vậy, bà có thể cho biết một số kết quả cụ thể của công tác này trong thời gian qua?
Công tác hậu kiểm không phải là một việc làm mới, mà đó là việc thay đổi tên gọi. Trước đây, chúng ta chỉ gọi một từ chung là kiểm tra VSATTP bao gồm cả việc kiểm tra các cơ sở thực phẩm trước khi cho hoạt động (nay gọi là tiền kiểm) và kiểm tra khi cơ sở đã và đang hoạt động có sản phẩm cung cấp cho thị trường (tên gọi mới là hậu kiểm). Như vậy, có thể nói công tác hậu kiểm đã được thực hiện từ lâu và ngày càng dần hoàn thiện hơn trong quy trình kiểm tra. Tất nhiên, việc nào được chú trọng thì kết quả mang lại sẽ có ý nghĩa cho cộng đồng, VSATTP cũng vậy. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của cộng đồng, của Nhà nước và cả hệ thống chính trị, công tác VSATTP đã được đầu tư nguồn lực tăng dần qua từng năm. Kết quả cụ thể có thể nói gọn lại như sau: Hệ thống mạng lưới cán bộ quản lý về VSATTP dần dần chuyên biệt hơn, có trách nhiệm hơn với công việc, được bồi dưỡng nâng cao hơn về chuyên môn nghiệp vụ, được trang bị kỹ thuật kiểm nghiệm về thực phẩm. Đối tượng quản lý là các cơ sở thực phẩm được kiểm tra, giám sát với mức độ thường xuyên hơn, tỷ lệ cơ sở đạt cao hơn (năm 2010 số cơ sở đạt điều kiện VSATTP là 70,1%), các cơ sở bị xử lý nghiêm khắc hơn, giảm tỷ lệ cơ sở bị nhắc nhở. So với trước đây, việc kiểm tra về mặt chất lượng sản phẩm chưa được thực hiện nhiều, thì đến năm 2010 hoạt động này đã được chú trọng hơn, từ đó cũng phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng, nhất là với các loại nước giải khát đóng chai. Những kết quả thu được từ kiểm tra sẽ giúp ngành chức năng kịp thời xử lý sai phạm và ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
* Có thể nói rằng, sự nỗ lực của ngành chức năng trong công tác hậu kiểm đã góp phần hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Theo bà, việc xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình hậu kiểm đã đủ “mạnh” để các chủ cơ sở sửa sai và nâng cao được ý thức trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm?
Theo cá nhân tôi nhận định thì việc xử lý các sai phạm đã phần nào đó có sức thuyết phục đối với các nhà quản lý cũng như các cơ sở thực phẩm. Có thể nói, điều kiện kinh doanh, sản xuất của cơ sở thực phẩm đã được nâng cao hơn nhiều. Bên cạnh sự phát triển kinh tế của cơ sở thực phẩm để tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh cũng phải nói đến vai trò khá lớn của công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm. Tuy nhiên, để nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thực phẩm chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp khác bên cạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác truyền thông, giáo dục vai trò trách nhiệm đối với từng đối tượng, từ cán bộ quản lý nhà nước về thực phẩm, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đến người tiêu dùng để làm sao có được thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn và mang lợi ích về sức khỏe cho mọi người.
* Xin cảm ơn bà!
Ý kiến bạn đọc