Multimedia Đọc Báo in

Ý thức người dân là yếu tố quyết định việc thực hiện công tác dân số

13:53, 15/05/2011

Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai các chiến dịch… Tuy nhiên, khi Nghị định 18/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con chính thức được áp dụng từ 12-5-2011 liệu có khó khăn gì đến việc thực hiện công tác dân số của tỉnh? phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bác sĩ NGUYỄN TRUNG THÀNH, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ  xung quanh vấn đề này.

*Ông có thể cho biết kế hoạch và những mục tiêu chính của Chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình của tỉnh năm 2011?

-Sau khi có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Chi Cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ trên địa bàn. Theo đó, chiến dịch năm 2011 sẽ được tổ chức tại 74 xã, phường thị trấn, trong đó ưu tiên thực hiện tại những xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, những xã có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Chiến dịch năm nay chia thành 2 đợt, đợt I tổ chức ít nhất tại 70% số xã nằm trong chiến dịch của mỗi huyện, kết thúc trước ngày 30-4-2011; đợt II tổ chức tại các xã còn lại và bổ sung thực hiện chiến dịch tại các xã chưa hoàn thành chỉ tiêu đợt I, kết thúc chiến dịch trước ngày 30-9-2011. Tại mỗi địa điểm, chiến dịch sẽ kéo dài trong thời gian 7-8 ngày, gồm các hoạt động: tuyên truyền, tư vấn, vận động đối tượng đăng ký các gói dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

Chiến dịch năm 2011 tập trung chủ yếu vào các mục tiêu như: bảo đảm thực hiện triệt sản, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai đạt 100% chỉ tiêu tại xã triển khai chiến dịch; đặt vòng tránh thai đạt 100%; bảo đảm 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS-KHHGĐ; điều trị bệnh phụ khoa thông thường cho 70% đối tượng đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai.

*Vậy để đạt được những mục tiêu đề ra, Chi cục đã có những giải pháp gì, thưa ông?

-Ngoài việc tổ chức lễ ra quân chiến dịch tại huyện Ea H’leo, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể quan tâm và phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai thực hiện chiến dịch một cách hiệu quả nhất. Công tác truyền thông về chiến dịch cũng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: treo băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh, sinh hoạt văn nghệ, tư vấn tại hộ gia đình, họp nhóm… Đặc biệt, coi trọng hình thức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh để người dân tại các xã triển khai chiến dịch hiểu rõ nội dung Pháp lệnh Dân số, lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, nội dung triển khai thực hiện chiến dịch tại địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm chăm sóc SKSS, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cũng cung cấp đầy đủ, kịp thời phương tiện tránh thai, các gói dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, bảo đảm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường, đồng thời tư vấn cho các đối tượng này về SKSS-KHHGĐ, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục và các biện pháp tránh thai… Ngoài ra, các ngành chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chiến dịch; chỉ đạo cho đội ngũ làm công tác dân số tại cơ sở làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, cập nhật đầy đủ các số liệu, báo cáo thống kê kịp thời…

Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp chăm sóc SKSS-KHHGĐ.

*Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi, khó khăn trong công tác dân số ở tỉnh ta hiện nay, nhất là khi Nghị định số 18/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con có hiệu lực từ ngày 12-5-2011?

-Công tác dân số của tỉnh thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng, thực hiện của người dân. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ từng bước được kiện toàn; cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc sinh đẻ có kế hoạch đã được nâng cao, cụ thể, tỷ suất sinh giảm xuống còn 0,81 phần nghìn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 12,92%, tỷ lệ cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 71,16%... Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận người dân có tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi, sinh con đàn cháu đống... đang là khó khăn không phải ngày một ngày hai loại bỏ được. Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là việc mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động (109 nam/100 nữ) và nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội sau này.

Theo khoản 6, điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8-3-2010 của Chính phủ, các cặp vợ chồng có 1 người tái hôn thì chỉ được sinh 1 lần, như vậy người vợ hoặc chồng chỉ được sinh 1 con. Các cặp vợ chồng sinh 1 con sẽ bù cho những cặp vợ chồng sinh con thứ 3 nằm trong trường hợp đặc biệt mà không vi phạm Pháp lệnh Dân số. Như vậy, bình quân chung toàn xã hội mỗi gia đình vẫn chỉ có 2 con. Tuy nhiên, những cặp vợ chồng tái hôn thì người vợ hoặc chồng chỉ được sinh thêm 1 con sẽ thiệt thòi so với những người khác (một người chưa có con lấy một người đã có con riêng thì chỉ được sinh 1 con). Vì vậy, ngày 17-3-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2011/NĐ-CP sửa đổi khoản 6, điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8-3-2010. Theo đó, những trường hợp tái hôn được sinh 1 hoặc 2 con nếu một trong hai người đã có con riêng; sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai đã có con riêng. Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống. Việc ban hành Nghị định số 18/2011/NĐ-CP của Chính phủ không gây ảnh hưởng lớn đến công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh vì thực tế số lượng người tái hôn ít so với tổng số cặp vợ chồng trong toàn tỉnh và những người tái hôn sinh con đa số chấp hành đúng quy định của Nhà nước.  

Bản chất của công tác dân số là tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện KHHGĐ. Khi Pháp lệnh Dân số sửa đổi được chấp thuận, sẽ tạo thuận lợi cho người làm công tác dân số tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, kiên trì vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con. Đối với các đảng viên, ngoài việc hiểu và thực hiện Pháp lệnh Dân số, còn phải thực hiện theo Điều lệ Đảng; cán bộ công chức, phải thực hiện theo Luật Công chức. Đối với người dân, ngoài tinh thần tự giác, tự nguyện, cần thực hiện theo hương ước, quy ước của thôn, buôn, tổ khu phố nơi mình sinh sống. Để thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các ngành chức năng, thì yếu tố quyết định chính là ý thức của mỗi công dân.

*Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc