Multimedia Đọc Báo in

“Dak Lak đã khá quan tâm và nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em”

08:37, 10/06/2011

Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội DOÃN MẬU DIỆP qua chuyến  thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh ta trong Tháng hành động vì trẻ em. Nhân dịp này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng xung quanh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như những chính sách liên quan đến trẻ em của Bộ LĐTB&XH trong thời gian tới.

* Thưa Thứ trưởng, việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Dak Lak đang nằm ở vị trí nào trong bảng xếp hạng so với cả nước? Dak Lak cần phải tăng cường những hoạt động gì để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả cao hơn?

 

 

Thật khó để đánh giá xác đáng những gì mà Dak Lak đã dành cho trẻ em và càng khó hơn khi so sánh với cả nước, vì hiện nay chưa có những tiêu chí cụ thể để làm “thước đo” trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi rất vui mừng vì nhận thấy các cấp ủy, chính quyền ở địa phương đã chú trọng, quan tâm và dành nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách đối với trẻ em mà Đảng, Nhà nước đề ra. Đơn cử như huyện Krông Ana (nơi mà tôi đã trao quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) tất cả 8 xã, thị trấn đều đạt tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em, trong năm 2010 không có trẻ bị xâm hại và trẻ bị đuối nước… đây là một điều mà rất ít địa phương có thể thực hiện được.

 

Tuy nhiên, để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả cao hơn thì các cấp chính quyền trong tỉnh cần phải biến quyết tâm của mình thành những hành động cụ thể như: xây dựng Đề án chi tiết về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phải có nguồn ngân sách tương xứng để triển khai. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo nhất là trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước là lực lượng mỏng từ tỉnh đến xã. Chính vì vậy thời gian tới, tỉnh cần tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Đồng thời, từng bước xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên bảo vệ trẻ em tại thôn, buôn... Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ một cách đồng bộ, đảm bảo thực hiện tốt quy trình từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ bị xâm hại, ngược đãi, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Huy động gia đình và cộng đồng xã hội tham gia hỗ trợ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Đặc biệt, cần nghiên cứu đánh giá các mô hình đang triển khai tại tỉnh: Mô hình xã phường phù hợp với trẻ em, mô hình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, mô hình phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, chương trình, chiến lược bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời kỳ  mới.

Một trong những tiêu chí để đánh giá về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa phương là thực trạng kinh tế của địa phương đó. Gia đình thoát nghèo, giàu có thì trẻ em mới được chăm lo tốt hơn. Dak Lak hiện đang đứng thứ 39 so với cả nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhưng với công tác chăm sóc trẻ em thì tôi đánh giá Dak Lak đang đứng ở vị trí 30 so với cả nước. Điều đó thể hiện rằng Dak Lak đã chú trọng và khá nỗ lực trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em…

Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh trao học bổng cho trẻ khuyết tật và mồ côi trong tỉnh.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh trao học bổng cho trẻ khuyết tật và mồ côi trong tỉnh.

* Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ có những chính sách gì để đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và hạn chế thấp nhất số trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị xâm hại?

 

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước hết cần phải thực hiện tốt từ mỗi gia đình. Chính vì vậy Chính sách xóa đói giảm nghèo luôn được Bộ đặt lên hàng đầu, có chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn. Việc quan trọng là xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, mạnh mẽ, cung cấp dịch vụ bảo vệ và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng đầy đủ, liên tục mọi lúc mọi nơi, ở tất cả các cấp cho trẻ em dễ bị tổn thương. Trong đó có dịch vụ chuyên sâu để chuyển tuyến cho trẻ em có nguy cơ (như các chương trình hỗ trợ tại trường học hiện nay).

Bộ cũng đã và đang tiếp tục xây dựng một loạt chương trình hành động vì trẻ em như: Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015; Chương trình phòng chống thương tích và đuối nước cho trẻ; Xây dựng một số mô hình, dự án hỗ trợ địa phương nghèo, nâng cao đời sống của các gia đình trong đó có trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi trong mọi tầng lớp xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp đến là tạo cơ chế để trẻ em tham gia như: xây dựng một mạng lưới cộng tác viên trẻ em - kênh thông tin về chính các em. Mở Diễn đàn trẻ em (theo năm/địa phương/vùng dân cư), chuyển kiến nghị của trẻ em lên UBND các cấp và cơ quan chức năng cụ thể theo quy định. Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em trên toàn quốc...

Đồng thời công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên 3 cấp độ: Phòng ngừa. Phát hiện, can thiệp sớm các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Trợ giúp và phục hồi. Trước đây coi trọng "Trợ giúp phục hồi" cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thì giai đoạn 2011 - 2015, “Phòng ngừa” sẽ được đưa lên hàng đầu trong hoạt động bảo vệ trẻ em theo nguyên tắc "Không để phát bệnh rồi mới chữa”…

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng quà trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Krông Ana trong chuyến làm việc tại Dak Lak.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng quà trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Krông Ana trong chuyến làm việc tại Dak Lak.

*Được biết, Bộ LĐTB&XH đang có chủ trương đào tạo hàng loạt nhân viên xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vậy Thứ trưởng có thể cho biết thêm về chủ trương này?(Đối tượng nào được tuyển dụng để đào tạo? Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên xã hội về trẻ em? Sau khi đào tạo họ sẽ về địa phương, chế độ ưu đãi của họ ra sao?).

Trong năm 2010, Chính phủ đã có Đề án 32 về phát triển nghề Công tác xã hội. Thực tế thì nhân viên xã hội là một nghề không thể thiếu trong hệ thống an sinh xã hội. Chỉ họ mới đủ chuyên nghiệp và được trao quyền để thẩm định vụ việc, tìm hiểu nhu cầu và trợ giúp kịp thời cho các đối tượng yếu thế, trong đó có trẻ em. Có mạng lưới nhân viên xã hội chuyên nghiệp, trẻ em sẽ được tiếp cận dịch vụ bảo vệ thân thiện: tìm hiểu nhu cầu, đánh giá môi trường gia đình, ngăn ngừa nguy cơ, hoặc hỗ trợ nếu trẻ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại và ngược đãi… Chính vì vậy trong giai đoạn 2011-2015, Bộ LĐTB&XH dự định sẽ phát hiện và đào tạo khoảng 90.000 cộng tác viên công tác xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đối tượng là những tình nguyện viên ở chính các thôn, buôn, khối phố, yêu cầu là họ phải tâm huyết với trẻ em, có năng lực trong tiếp xúc với trẻ. Họ sẽ được trang bị những kỹ năng làm việc với trẻ em, tìm hiểu nhu cầu trẻ em, lắng nghe trẻ em nói và tư vấn cho trẻ…Sau khi được đào tạo họ sẽ về làm việc tại chính thôn, buôn của mình và hưởng mức phụ cấp bằng 0,2 mức lương tối thiểu (vì đa số họ đều có việc làm và công tác trẻ em hoàn toàn do tự nguyện cộng tác). Đội ngũ cán bộ tự nguyện này sẽ cải thiện tình trạng thiếu hụt mạng lưới cộng tác viên, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay (Ở cấp xã hiện không có cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em riêng mà do cán bộ LĐTB&XH kiêm nhiệm).

Hy vọng rằng với đội ngũ cán bộ xã hội làm việc với trẻ em được củng cố và đào tạo bài bản, chúng ta sẽ đạt được các chỉ tiêu bảo vệ chăm sóc trẻ em đã đề ra trong Chương trình Quốc gia giai đoạn 2011-2015.

*Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Quân (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc