Multimedia Đọc Báo in

Thông tin, tri thức, tầm nhìn không đi sau thời cuộc

09:27, 21/06/2011

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thông tin ngày càng cao hơn. Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức, các phương tiện thông tin đại chúng trở thành những kênh truyền tải tri thức cho đông đảo nhân dân vì sự phát triển, phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng xã hội.

Việc nâng cao tính hấp dẫn của mỗi tờ báo phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp của mỗi người làm báo – từ tổng biên tập đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở từng công việc, từng vị trí công tác. Những biểu hiện dễ thấy ở mỗi thành viên - đó là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, các kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội…Phong cách chuyên nghiệp của từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên thể hiện qua khả năng làm việc độc lập cũng như khả năng phối hợp nhóm; biết đặt công việc lên hàng đầu nhằm bảo đảm tính thời sự và hướng đến hiệu quả. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm báo sẽ góp phần làm cho mỗi ấn phẩm báo chí  trở thành một kho thông tin về kinh tế - xã hội, một địa chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa, sắc thái riêng. Muốn vậy, người viết phải luôn coi bạn đọc ở trình độ ngang mình hoặc hơn mình, tránh tình trạng viết cẩu thả, tùy tiện, phải viết sao cho chính xác, trung thực.

Sự trung thực của nghề báo đòi hỏi ở tri thức và tấm lòng.

Để phản ánh trung thực đời sống xã hội đang chuyển động không ngừng,  rất cần phẩm chất tri thức và cập nhật tri thức thường xuyên. Chẳng hạn, đối với người viết trong lĩnh vực kinh tế, nếu thiếu hiểu biết những vấn đề căn bản về tài chính, về cổ phần hóa, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, về hội nhập quốc tế… thì khó có thể viết đúng, viết trúng và viết hay.

Các nhà báo tác nghiệp trên Đảo Trường Sa Lớn (Quần đảo Trường Sa) - vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. (Ảnh: T.M.T)
Các nhà báo tác nghiệp trên Đảo Trường Sa Lớn (Quần đảo Trường Sa) - vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. (Ảnh: T.M.T)
Tri thức phải đi liền với tấm lòng của người làm báo, không bàng quang trước những khó khăn của người dân, của doanh nghiệp bởi những thủ tục hành chính phiền hà, bởi tình trạng nhũng nhiễu ở ngành này, ngành khác… Đối với từng cơ quan báo chí, ban biên tập cần đưa ra những giải pháp để nâng cao tri thức, tầm nhìn và tấm lòng trong đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Nói cách khác, đó là nâng cao những kỹ năng tác nghiệp,   thái độ ứng xử, kinh nghiệm, kiến thức xã hội, lòng yêu nghề và những giá trị đạo đức nghề nghiệp.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin, muốn tạo ra sự hấp dẫn đối với bạn đọc, báo chí phải tìm mọi cách giành quyền chủ động thông tin vừa bảo đảm cập nhật kịp thời, vừa sớm định hướng trong dư luận xã hội. Muốn giành quyền chủ động thì báo chí phải đổi mới thông tin. Do trình độ dân trí ngày một nâng cao, báo chí phải mở rộng diện thông tin đa chiều, đa dạng nhằm thu hút nhiều đối tượng bạn đọc. Mặt khác, phải có định hướng rõ ràng, phải bám sát tôn chỉ, mục đích tờ báo, phải nhằm phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, không thương mại hóa, không chạy theo thị hiếu của một bộ phận bạn đọc. Chẳng hạn, không sa đà vào những thông tin về bạo lực, tình dục, những vụ án ly kỳ, rùng rợn, những chuyện phản văn hóa, phi đạo đức, xa lạ với truyền thống dân tộc. 

Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện nay, bạn đọc của chúng ta chỉ dành thời gian đọc được khoảng 10% nội dung thông tin trên các ấn phẩm báo chí, ít có thời gian để đọc kỹ, mà chủ yếu là xem lướt. Do đó, thông tin nên được viết gọn gàng, trong sáng và đầy hình tượng nhằm tạo sức tác động trực tiếp vào tình cảm của người đọc. Tính hấp dẫn trong từng bài báo thể hiện ở sự cô đọng, ở vấn đề đưa ra có hay, có mới và có bổ ích hay không? Một tác phẩm báo chí viết ngắn nhưng thông tin hấp dẫn, sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa người viết và người đọc, làm cho bạn đọc ngày càng gần hơn với tờ báo.
Nói tóm lại, báo chí muốn hấp dẫn phải giành quyền chủ động trong thông tin; nâng cao chất lượng thông tin trên cả ba mặt: chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học.

Tính hấp dẫn của tác phẩm báo chí chỉ có được khi thông tin, tri thức và tầm nhìn không đi sau thời cuộc.

Trương Minh Thắng
Tổng Biên tập Báo Dak Lak

Ý kiến bạn đọc