Multimedia Đọc Báo in

Tỷ lệ người nhiễm HIV ở Dak Lak có xu hướng ngày càng trẻ và dịch chuyển từ nam sang nữ

09:33, 30/11/2011

Hiện nay, dịch HIV trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp với tỷ lệ người nhiễm HIV đang có xu hướng ngày càng trẻ và dịch chuyển từ nam sang nữ. Vậy, căn nguyên của vấn đề là do đâu? Nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12), Thạc sĩ LÊ ĐÌNH VINH, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã chia sẻ với Báo Dak Lak một số nội dung xoay quanh vấn đề này.

*Ông đánh giá thế nào về tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?

 

 

Kể từ 7 trường hợp đầu tiên được phát hiện vào năm 1993 đến nay, toàn tỉnh có gần 1.400 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó có 322 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Hiện tại, đã có 100% số huyện, thị xã, thành phố với 146/184 xã, phường trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tập trung ở nam giới với khoảng 80% số ca nhiễm, còn ở nữ giới chỉ khoảng 20%.

 

Nhưng, từ năm 2004 đến nay, tỷ lệ nữ nhiễm HIV đang có xu hướng tăng rõ rệt. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1993-1999, tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV rất thấp, chỉ khoảng 8-9%, còn trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ nhiễm HIV đã lên đến 25%. Hiện tại, nguy cơ lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy (chiếm 42%). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nguy cơ lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục có xu hướng tăng. Đặc biệt là sự lây nhiễm HIV trong gia đình cũng ngày càng rõ nét hơn. Điều này được thể hiện ở số phụ nữ mang thai nhiễm HIV tăng và đã xuất hiện những gia đình có cả bố mẹ lẫn con cái đều bị nhiễm HIV.

Trong những năm gần đây, tuy dịch HIV/AIDS ở Dak Lak cũng như ở Việt Nam nói chung đã được kìm chế ở mức độ thấp, nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Bởi, trên thực tế dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với xu hướng thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai. Hơn nữa một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao. Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

*Vậy có nghĩa là tình hình lây nhiễm HIV ở Dak Lak diễn biến ngày càng phức tạp hơn và đây có phải là trở ngại cùng với một số khó khăn khác để thực hiện phòng, chống HIV của tỉnh, thưa ông?

Trong những năm gần đây, vấn đề tăng của HIV trên địa bàn tỉnh là không rõ ràng, hay nói cách khác là đã có xu hướng chững lại. Song, nhìn một cách toàn diện thì dịch HIV ở Dak Lak vẫn có diễn biến khá phức tạp, vì tỷ lệ người nhiễm HIV đang có xu hướng ngày càng trẻ và có sự dịch chuyển từ nam sang nữ, đồng thời tất cả những nhóm đối tượng nguy cơ cao đều đã có người nhiễm. Dịch diễn biến phức tạp, nhưng công tác phòng, chống dịch lại gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà tỉnh ta phải đối mặt trong thời gian qua là chưa triển khai được các biện pháp can thiệp, giảm thiểu tác hại ở tất cả các huyện. Không những thế, quá trình triển khai các biện pháp can thiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Ví dụ như, chương trình 100% bao cao su đến thời điểm này vẫn chưa triển khai được tại tất cả các nhà hàng, khách sạn và các điểm vui chơi giải trí; hay chương trình bơm kim tiêm cũng chỉ mới làm điểm tại TP. Buôn Ma Thuột chứ chưa thể triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh và thời gian cung cấp bơm kim tiêm cũng chưa đảm bảo 24/24 giờ mỗi ngày, do đó vẫn để xảy ra tình trạng các đối tượng nghiện chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm nên tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này là rất lớn. Ngoài ra, chương trình điều trị metharon (thuốc thay thế các dạng thuốc phiện) đến nay vẫn chưa được triển khai tại Dak Lak. Hơn nữa, việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV cần có sự đồng thuận giữa các ban, ngành cũng như phải có sự đầu tư. Hiện tại, kinh phí của các chương trình phòng, chống HIV đang được triển khai điểm ở tỉnh đều do các dự án tài trợ, còn ngân sách hàng năm cho chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa thể đáp ứng triển khai rộng khắp trên địa bàn. Để có thể nhân rộng các mô hình điểm và triển khai một cách thuận lợi phải có sự hỗ trợ, đầu tư từ phía Nhà nước, sự phối hợp của các ban, ngành và huy động nguồn lực trong xã hội.

*Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cũng như thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được triển khai với những hoạt động cụ thể nào?

Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS đã chính thức chọn chủ đề cho chiến lược phòng, chống HIV/AIDS trên toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV; không còn người tử vong do AIDS; không còn phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng chỉ chọn một chủ đề xuyên suốt cho giai đoạn 2011-2015 cũng như chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (diễn ra từ ngày 10-11 đến ngày 10-12 năm nay) là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Với chủ đề này, các mục tiêu đặt ra để thực hiện từ nay đến năm 2015 là phải giảm 50% số ca nhiễm mới HIV do quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ đồng giới nam và người bán dâm; phải loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; đồng thời giảm 50% số ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy và bảo đảm tất cả những người tiêm chích ma túy đều được dự phòng lây  nhiễm HIV đúng cách… Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, tức là thay đổi các hành vi nguy cơ bằng những hành vi có lợi cho sức khỏe và những hành vi không bị lây nhiễm HIV. Đồng thời, sử dụng những biện pháp toàn diện và quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tốc độ lây lan của HIV và duy trì bền vững trong một giai đoạn về sau. Có nghĩa là phải phối hợp tất cả các chương trình hành động, ngoài chương trình truyền thông thay đổi hành vi cần triển khai các biện pháp can thiệp, giảm thiểu tác hại và tăng cường hơn nữa vấn đề lây truyền HIV từ mẹ sang con; đáp ứng các dịch vụ để có thể điều trị cho những người nhiễm HIV/AIDS một cách hiệu quả.

*Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc