Mở rộng Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng: Cố gắng duy trì cấp thuốc thế hệ mới cho bệnh nhân
Hơn 12 năm qua, Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai tại hơn 100 xã, phường của tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc mở rộng địa bàn, tăng số lượng người dân được thụ hưởng Dự án đang gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã chia sẻ với phóng viên Báo Dak Lak một số điều xoay quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết một vài nét về Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cũng như tiến độ triển khai Dự án đến thời điểm này?
Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được Bộ Y tế và Bệnh viện Tâm thần Trung ương triển khai từ năm 1999. Qua hơn 12 năm hoạt động, Dự án đã điều tra và cấp sổ điều trị ngoại trú cho hơn 7.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh của hơn 100 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trong năm nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp tục tổ chức điều tra giám sát các bệnh tâm thần cơ bản tại cộng đồng, nhất là 3 bệnh: tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm; đầu tư thuốc điều trị bệnh để cấp miễn phí cho tất cả bệnh nhân tâm thần đã được điều tra trong thời gian qua; tổ chức tập huấn cho tuyến dưới giám sát thực hiện các quy chế chuyên môn, triển khai Dự án. Ngoài ra, sẽ triển khai thêm mảng truyền thông, một mảng đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng nhưng lâu nay ít được chú ý, đầu tư. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền sao cho tất cả các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, gia đình và cộng đồng hiểu rõ hơn về bệnh tâm thần để nâng cao chất lượng phục vụ Dự án.
* Từ con số điều tra của Dự án, ông có nhận định như thế nào về bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh?
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng giống như tỷ lệ chung của cả nước và trên thế giới. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ người mắc 3 bệnh (tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm) chiếm khoảng 3-5% dân số, còn các bệnh liên quan đến tâm thần (rối loạn giấc ngủ, tự kỷ, tâm can, nghiện game…) chiếm khoảng 25%. Tuy nhiên so sánh giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Dak Lak là một tỉnh dân số tương đối đông, lại là trung tâm kinh tế - xã hội, tỷ lệ dân di cư biến động thường xuyên nên tỷ lệ bệnh tâm thần cũng cao hơn. Nguyên nhân tỷ lệ bệnh nhân tăng cao có thể do áp lực của công việc, hoặc tính chất phức tạp của xã hội phát triển. Mặt khác, đơn vị chúng tôi được thành lập sớm nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên nên hoạt động dự án được đẩy mạnh hơn, chất lượng nâng cao hơn các tỉnh bạn do đó tỷ lệ phát hiện bệnh nhân cũng nhiều hơn.
* Hiệu quả của Dự án mang lại rất rõ ràng, vậy đến khi nào những xã, phường còn lại mới được thụ hưởng Dự án, thưa ông?
Để mở rộng Dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về chuyên môn, bệnh viện có thể bảo đảm được do có đội ngũ y bác sĩ nhiệt tình, đội ngũ cán bộ trẻ để thực hiện Dự án tại các địa bàn còn lại. Nhưng về kinh phí, yêu cầu “nặng” nhất, bức xúc nhất lại… nằm ngoài khả năng của chúng tôi! Trên thực tế, khi mở rộng Dự án tại một xã mới đòi hỏi phải có xe cộ đi lại, tiền điều tra, công tác phí cho cán bộ tham gia, thuốc điều trị để cấp cho bệnh nhân đã được phát hiện tại xã đó… Tất cả những vấn đề này đều phải có kinh phí mới làm được. Thế nhưng hiện nay kinh phí để phục vụ hoạt động của Dự án mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng mà bệnh viện chúng tôi nhận được từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương chuyển về mỗi năm chỉ đạt 30% (gần 800 triệu đồng) và phía tỉnh lại không cấp vốn đối ứng. Với nguồn kinh phí thấp như vậy, việc mua thuốc hỗ trợ cấp cho bệnh nhân; chi trả phụ cấp cho y tế thôn, buôn và cấp kinh phí hoạt động của dự án ở tuyến cơ sở đã rất khó khăn nên việc mở rộng thêm địa bàn lại càng khó.
* Kinh phí hạn hẹp có ảnh hưởng đến nguồn thuốc cấp cho bệnh nhân không, thưa ông?
Nếu sử dụng các loại thuốc điều trị quá cũ để cấp cho bệnh nhân thì chất lượng điều trị không cao mà lại có nhiều tác dụng phụ. Vì thế, chúng tôi vẫn đang cố gắng cấp thuốc thế hệ mới, tức là những thuốc tác dụng tốt hơn, tác dụng phụ ít. Nhưng về lâu dài việc này sẽ khó duy trì bởi kinh phí ít, không đủ đầu tư mua thuốc. Hiện tại, để bệnh nhân được sử dụng thuốc thế hệ mới, một mặt chúng tôi đã đề nghị Sở Y tế và các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí, mặt khác xin tuyến trên mà trực tiếp là Bệnh viện Tâm thần Trung ương hỗ trợ thuốc, tài liệu để cấp cho bệnh nhân.
*Xin cản ơn ông!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc