Multimedia Đọc Báo in

Khai thác tràn lan dược liệu trên địa bàn: Nhiều cây thuốc có nguy cơ bị tận diệt

14:46, 10/10/2012

Hiện nay, tình trạng khai thác tràn lan các loại cây thuốc khiến cho nguồn dược liệu phong phú, đa dạng trên địa bàn tỉnh bị thu hẹp, đặc biệt nhiều loại cây thuốc quý hiếm có nguy cơ bị tận diệt. Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh đã chia sẻ với Báo Dak Lak đôi điều xoay quanh vấn đề này.

* Dak Lak được xem là một trong những địa phương có nguồn dược liệu dồi dào, phong phú. Ông có thể giới thiệu đôi nét về nguồn tài nguyên này của tỉnh?

Với ưu thế nhiều rừng nên Dak Lak có nguồn dược liệu khá đa dạng và phong phú. Các cây thuốc được dùng để điều trị chứng bệnh liên quan đến yếu tố phong thấp như: huyết đằng, vương tôn, thạch xương bồ, thổ phục linh, hà thủ ô, bồng bông, bá bệnh, hoàng đằng. Ngoài ra, giúp lợi tiểu thì có thảo quyết minh, nhân trần, kim tiền thảo; giúp an thần lại có trùm bao (lạc tiên), tao nhân; chữa gan mật, tiêu hóa có chó đẻ, nhân trần, sai nhân… Trữ lượng của các loại cây thuốc này rất lớn và mọc hoang ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Người dân khai thác cây mật nhân bán tràn lan trên đường phố. Ảnh: TL
Người dân khai thác cây mật nhân bán tràn lan trên đường phố. Ảnh: TL

* Ông nhìn nhận như thế nào về hoạt động khai thác dược liệu trên địa bàn tỉnh?

Hiện nay, Dak Lak chưa có các vùng chuyên canh dược liệu mà chỉ có nguồn dược liệu mọc tự nhiên. Tuy nhiên, các vùng phân bố tự nhiên của cây thuốc đang bị suy giảm nghiêm trọng do người dân khai thác triệt để. Đặc biệt, nhiều loài thuốc qúy đang bị tận diệt. Đơn cử như cây sa nhân. Trước đây, loại cây này có mặt ở rất nhiều nơi trong tỉnh, nhưng sau quá trình bị khai thác bừa bãi, đến nay nó chỉ còn xuất hiện ở một số khu vực rừng sâu trên địa bàn huyện M’Drak, Ea Kar với số lượng rất ít. Hay gần đây lại rộ lên tình trạng khai thác tràn lan cây mật nhân (bá bệnh), điều này cũng đồng nghĩa là loại cây này đang sụt giảm số lượng một cách nhanh chóng và đang tiến dần tới nguy cơ bị tận diệt.

* Được biết, ở nhiều địa phương đang áp dụng mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) để phát triển chủng loại, mở rộng diện tích cây thuốc. Ở tỉnh ta, mô hình này có được áp dụng không, thưa ông?

Việc thực hiện mô hình liên kết 4 nhà sẽ tạo được hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc tại địa phương. Để thực hiện được mô hình này điểm mấu chốt là phải tìm được nhà đầu tư, rồi làm các xét nghiệm mẫu đất xem có phù hợp với cây thuốc hay không, nếu có hiệu quả thì mới có thể nhân rộng cho người dân trồng cây thuốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về công tác này và kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn cũng chưa có nên không thể triển khai được mô hình hiệu quả nói trên.

Chăm sóc vườn thuốc nam ở một trạm y tế xã. Ảnh: TL
Chăm sóc vườn thuốc nam ở một trạm y tế xã. Ảnh: TL

* Vậy theo ông biện pháp nào là hiệu quả nhất để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn?

Để thực hiện công tác bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, trước hết tỉnh phải xây dựng kế hoạch bảo tồn trong đó huy động các ngành, các cấp cùng tham gia công tác này. Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi trong công tác bảo tồn là phải làm cho người dân hiểu được giá trị của cây thuốc, từ đó tự nguyện tham gia bảo tồn dược liệu ở địa phương mình.

Xin cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc