Cần dùng nước tiết kiệm, hợp lý để hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Gần một tháng nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ở một số khu vực bị cúp nước liên tục từ 2-3 ngày khiến người dân phải chạy đôn, chạy đáo xin nước phục vụ các sinh hoạt thường ngày. Để giúp người dân nắm rõ tình hình cũng như có các biện pháp ứng phó với tình trạng “khát” nước hiện nay, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng Dak Lak.
• Xin ông cho biết thực trạng cấp nước sinh hoạt hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột?
- Có thể nói, đây là lần đầu tiên TP. Buôn Ma Thuột rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như vậy. Sản lượng nước của Công ty hiện chỉ còn tối đa 36.500m³/ngày đêm, giảm gần 12.500m³/ngày đêm so với bình thường. So với nhu cầu sử dụng nước của 55.000 hộ dân thành phố, lượng nước cấp ra thiếu hơn 18.000m³/ngày đêm. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày có khoảng 32% số hộ dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không được cấp nước sinh hoạt.
Mặc dù đã đăng ký sử dụng nước sinh hoạt tập trung, nhưng nhiều hộ dân tổ dân phố 8 (phường Tân An) phải bơm nước giếng lên bồn để sử dụng |
• Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên, thưa ông?
- Nguyên nhân đầu tiên là do trong năm 2012 lượng mưa ít, mùa mưa kết thúc sớm, tình trạng khô hạn kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp khiến mực nước ngầm cạn kiệt, nhiều giếng khoan không còn nước để khai thác. Đồng thời, tình trạng tưới cà phê tràn lan bằng giếng khoan và tập trung vào cùng thời điểm cũng khiến nguồn nước ngầm suy giảm nhanh. Công ty hiện có 7 trạm bơm nhưng nguồn nước của các trạm này đang sụt giảm đáng kể. Chẳng hạn như: Trạm bơm Kô ETam là trạm chủ lực cấp nước cho toàn TP. Buôn Ma Thuột với công suất 12.000m³/ngày đêm nhưng hiện chỉ còn 3.200m³/ngày đêm; Trạm bơm Đạt Lý + Tân An có công suất 10.000m³/ngày đêm nhưng cũng chỉ còn 4.500m³/ngày đêm. Các trạm bơm còn lại công suất đều sụt giảm từ 10-30% so với thiết kết. Theo dự báo của đơn vị, tình trạng khan hiếm nước sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 5-2013 và công suất của các trạm bơm có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Do tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài, nhiều người phải mua thêm bồn, thùng phuy về tích trữ nước |
• Để hạn chế tối đa việc thiếu nước sinh hoạt, Công ty đã triển khai những biện pháp nào?
- Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như trên, Công ty buộc phải cấp nước luân phiên theo khu vực. Từ ngày 19-2 trở đi, mỗi khu vực sẽ có nước chảy khoảng 12 tiếng/ngày và bị cúp trong 24 tiếng. Nhưng do mặt bằng cấp nước rộng, có sự chênh lệch lớn về cao trình cấp nước nên thời gian cấp nước sẽ bị lệch so với lịch thông báo. Do vậy, trong những ngày được cấp nước, người dân cần chủ động tích trữ nước để sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày.
Trước mắt, Công ty sẽ khắc phục bằng cách xử lý nước mặt từ hồ Ea Chu Káp (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) để bổ sung khoảng 5.000 m3/ngày đêm cho người dân thành phố, nhưng dự kiến đến cuối năm 2013 công trình mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Về lâu dài, Công ty đã hoàn chỉnh hồ sơ Dự án “Hệ thống cấp nước TP. Buôn Ma Thuột” và đã được UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 35 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nếu Dự án trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013, thì đến cuối năm 2015, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhà máy này được đặt tại địa phận xã Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana), xử lý nguồn nước từ sông Sêrêpôk, cung cấp bổ sung 35.000m³/ngày đêm cho địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Khi đó, tin chắc rằng, Công ty sẽ chủ động được nguồn nước, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân.
• Ông có khuyến cáo gì đối với người dân khi sử dụng nước?
Một khi mạch nước ngầm đã sụt giảm thì không thể tự tái tạo, sản sinh trong một sớm, một chiều. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của đơn vị, người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Những gia đình có giếng đào nên tận dụng nguồn nước giếng cho việc tắm, giặt, tưới cây…; hạn chế tối đa việc sử dụng máy giặt. Người dân không nên tự ý vận hành van cấp nước và lắp đặt máy bơm hút nước trực tiếp từ đường ống của Công ty sẽ gây xáo trộn việc cấp nước trong khu vực. Trường hợp có hộ dân nào sống ở khu vực đang được cấp nước nhưng vẫn không có nước sinh hoạt, Công ty sẽ chở nước đến cung cấp trực tiếp. Người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Công ty: 0500(3) 813. 315 để thông báo tình trạng cấp nước và được hỗ trợ khi cần thiết.
• Xin cảm ơn ông!
Xuân – Thúy (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc