Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển ngành cà phê bền vững

14:11, 14/03/2013
Tăng năng suất, chất lượng cà phê; xây dựng các liên kết giữa các đầu mối như nhà nước – doanh nghiệp – nông dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại… là những giải pháp có thể giúp Việt Nam phát triển ngành cà phê một cách bền vững. Đó cũng là nội dung trao đổi giữa phóng viên với ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhân sự kiện Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 vừa diễn ra.
 
1. Thưa ông, hiện nay cần có những giải pháp như thế nào để tăng năng suất, chất lượng cà phê?
- Hiện nay, năng suất cà phê của nước ta bình quân vào khoảng 2 tấn/ha, so với thế giới cũng là cao rồi. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những cơ quan nghiên cứu về giống cây trồng như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã nghiên cứu, phát triển thêm những giống cà phê mới có thể cho năng suất hơn 3 tấn/ha. Vì vậy, để tăng năng suất, chất lượng cà phê, chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn cho khâu nghiên cứu, cải tạo giống cây trồng có năng suất cao. Bên cạnh đó, người nông dân phải tham gia các chương trình phát triển cà phê bền vững như 4C, UTZ, Rain Forest… bởi thông qua đó, nông dân có thể sản xuất ra loại cà phê chất lượng cao hơn, có thể bán với giá cao hơn giá thông thường chúng ta vẫn bán.
2. Chúng ta cần tổ chức xúc tiến thương mại thế nào để sản phẩm cà phê Việt Nam khẳng định được uy tín và chất lượng trên thị trường thế giới?
- Tôi cho rằng công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu là rất quan trọng. Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng bảo vệ thương hiệu còn khó hơn. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê sau khi xây dựng được thương hiệu rồi thì cần có chiến lược phát triển thị trường, căn cứ vào đó quảng bá thương hiệu, đăng ký thương hiệu tại những thị trường tiềm năng trước mắt cũng như lâu dài. 
3. Theo ông, cần xây dựng mối liên kết như thế nào để cà phê phát triển bền vững, tránh tình trạng như lâu nay “được giá mất mùa, được mùa mất giá”? 
- Tôi cho rằng cần liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà chế biến với người nông dân, khuyến khích nông dân tham gia vào các chương trình phát triển cà phê bền vững thông qua những mô hình liên kết như kiểu Công ty Cà phê Thắng Lợi, Tập đoàn Trung Nguyên hay Tổng Công ty Cà phê Việt Nam sẽ giúp người nông dân về kỹ thuật canh tác, có thể nâng cao chất lượng hạt cà phê cũng như hỗ trợ tín dụng, tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2010, khi Chính phủ có chương trình tạm trữ cà phê, người nông dân cũng có kinh nghiệm về việc không bán cà phê ồ ạt mà bán dần theo nhu cầu thị trường để giữ được giá cà phê ổn định và cho đến nay, nông dân vẫn làm rất tốt việc này. Bên cạnh đó, nông dân rất cần có sự hỗ trợ của ngân hàng với thời gian cho vay dài hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê cũng cần có quỹ xúc tiến thương mại và giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận với thông tin trên thị trường thế giới, theo dõi sát giá để không bán sản phẩm ồ ạt khiến giá cả rơi xuống quá sâu.
Gia Thủy
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.