Multimedia Đọc Báo in

Chung sức xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “thủ phủ cà phê” toàn cầu

09:48, 08/03/2013

Cây cà phê du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 150 năm. Theo dòng chảy thời gian, cà phê chọn Tây Nguyên làm nơi định cư như một sứ mệnh lịch sử. Mùa hoa cà phê đầu tiên nở rộ trên vùng đất đỏ bazan này cũng đã đi qua gần một thế kỷ. Bây giờ, khi nói đến cà phê Việt Nam người ta nghĩ ngay đến vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Buôn Ma Thuột – Dak Lak, nơi được coi là “thủ phủ cà phê” của cả nước.

Trong vài chục năm trở lại đây, cà phê Việt Nam đạt được một bước tiến thần kỳ. Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập, cà phê Việt Nam từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường thế giới. Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc sản xuất cà phê, còn xét riêng về sản phẩm Robusta thì Việt Nam đứng đầu thế giới. Nhưng, thực chất chúng ta mới chỉ khẳng định vị thế của một quốc gia sản xuất và bán hạt cà phê thô. Trong chuỗi giá trị gia tăng cà phê toàn cầu, Việt Nam chỉ được hưởng phần ít nhất trên tổng giá trị mang lại từ mỗi ly cà phê. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, trong thập niên vừa qua Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới xấp xỉ 10 triệu tấn cà phê với giá bình quân 1.161 USD/ tấn, thu về gần 59 tỷ USD. Song, giá xuất khẩu bình quân của nước ta chỉ bằng khoảng 63% giá trung bình của thế giới! Chúng ta đã xuất khẩu cà phê với quy mô lớn từ hai thập niên qua và giữ vị trí cường quốc xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới trong 12 năm, nhưng do công nghiệp chế biến kém phát triển, công tác dự báo thị trường và điều tiết hoạt động xuất khẩu chưa đáp ứng yêu cầu nên khiến giá xuất khẩu cà phê Việt Nam còn ở mức thấp. Muốn thay đổi vị thế đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và tổ chức tốt mạng lưới phân phối, tiêu thụ cà phê trên toàn cầu.  Chỉ có liên kết mới phát huy được sức mạnh tổng hợp để cà phê Việt Nam ngày càng có hàm lượng trí tuệ nhiều hơn và tạo ra chuỗi giá trị gia tăng ngày càng cao. Liên kết để phát triển cà phê bền vững sẽ tạo ra dấu ấn mới đưa thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” trở thành nổi tiếng trên thế giới. Sự đồng lòng của các doanh nghiệp, sự nỗ lực của người nông dân, sự ủng hộ của nhà khoa học, của truyền thông và  các cơ quan nhà nước là sức mạnh để phát triển cà phê bền vững. Khi đó, Việt Nam mới thực sự bước vào nấc thang mang lại danh tiếng và sự giàu có – vươn lên đúng tầm cường quốc cà phê thế giới.

Lễ hội cà phê đang kết nối mỗi chúng ta với những truyền thuyết, những yếu tố mang tính huyền thoại của các cư dân bản địa, những tập quán, tập tục xung quanh cây cà phê. Những tầng văn hóa mang đậm bản sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại kết tinh trong từng hạt cà phê mà người nông dân dãi dầu sương gió, chắt chiu mưa nắng… mang lại niềm đam mê cho cuộc sống – đã làm nên lễ hội cà phê.

 Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang góp phần biến khát vọng xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “thủ phủ cà phê” toàn cầu trong một tương lai không xa. Lễ hội cà phê như đang hội tụ những đam mê để cho  hương cà phê Việt Nam ngày càng lan tỏa, bay xa và quyến rũ hơn…

                                         Trương Minh Thắng  


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.