Multimedia Đọc Báo in

Phòng cháy chữa cháy rừng: Chủ động các phương án từ cơ sở

06:00, 02/03/2013

Những diễn biến đầu mùa khô 2013 cho thấy năm nay thời tiết khí hậu hanh khô khắc nghiệt hơn mọi năm, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi, trong thời gian gần đây rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (huyện Chư Pah - tỉnh Gia Lai), thiệt hại khoảng 300 ha rừng trồng; rừng trồng tại Tiểu khu 323 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, diện tích 13,7 ha, loài keo lai trồng 2006-2008, mức độ thiệt hại 50%. Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn tỉnh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát công tác PCCCR từ trước trong và sau Tết Nguyên đán…,ông MAI VĂN KIỆN, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak.

* Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp và cảnh báo cháy rừng đối với Dak Lak  của Cục Kiểm lâm đưa ra là đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Vậy ngành đã xây dựng phương án PCCCR như thế nào, thưa ông?

-  Ngay từ đầu mùa khô năm 2012-2013 Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở NN-PTNT ban hành Công văn số 1495/SNNNT-KL, ngày 2-11-2012 triển khai đến các đơn vị trực thuộc và chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh tăng cường công tác PCCCR mùa khô 2012-2013; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/UBND-KH, ngày 4-1-2013 về bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô năm 2013 đến các sở, ban ngành của tỉnh và chính quyền địa phương các cấp. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đội kiểm lâm cơ động, hạt kiểm lâm huyện, thị, thành phố tăng cường công tác bảo vệ và PCCCR mùa khô 2012-2013; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR mùa khô 2013; thành lập đoàn kiểm tra PCCC do Chi cục Kiểm lâm chủ trì, có sự tham gia của các sở, ngành chức năng trong tỉnh. Chi cục kiểm lâm, các hạt kiểm lâm cấp huyện tham mưu kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR từ cấp tỉnh đến huyện, xã; chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Triển khai công tác tuyên truyền bảo vệ và PCCCR trong mùa khô; tu sửa, xây dựng các bảng, biển tuyên truyền và các công trình về PCCCR trên địa bàn tỉnh.

Ngành đã thẩm định, phê duyệt phương án PCCCR cho 1 Vườn Quốc gia thuộc tỉnh; 15 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp; 7 Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý. Đối với chủ rừng sử dụng nguồn vốn của đơn vị: Có hơn 25 công ty, doanh nghiệp, HTX được UBND tỉnh cho thuê đất lâm nghiệp để thực hiện dự án trồng cao su, cải tạo trồng rừng, QLBVR, đã xây dựng phương án PCCCR cho cả giai đoạn đã được Chi cục Kiểm lâm thẩm định các giải pháp kỹ thuật, Công ty tự phê duyệt phương án đầu tư cho công tác PCCCR mùa khô năm 2012-2013. Tuy nhiên còn một số đơn vị do không có kinh phí nên chưa xây dựng phương án hoặc đã xây dựng phương án nhưng chưa trình Chi cục Kiểm lâm thẩm định về mặt kỹ thuật (Nông trường Hồ Lâm huyện Ea H’leo, Xí nghiệp nguyên liệu giấy huyện Ea Súp). Về phía chính quyền địa phương, đã có 12 huyện, thành phố xây dựng phương án PCCCR mùa khô năm 2012-2013, đồng thời củng cố, thành lập 12 Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện. Một số huyện đã xây dựng phương án huy động, phối hợp lực lượng PCCCR như: Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp, Lak… Hạt kiểm lâm các huyện phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 1,2,3 xây dựng kế hoạch kiểm tra PCCCR trên địa bàn các huyện.

Diễn tập PCCCR góp phần nâng cao khả năng chỉ đạo cũng như xử lý tình huống khi xảy ra cháy rừng
Diễn tập PCCCR góp phần nâng cao khả năng chỉ đạo cũng như xử lý tình huống khi xảy ra cháy rừng

* Từ trước Tết Nguyên đán, tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác PCCCR tại các địa phương, ông đánh giá như thế nào về việc chấp hành các quy định PCCCR tại các địa phương, đơn vị, chủ rừng?

- Qua kiểm tra tại 4 huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Năng, nhận thấy các chủ rừng đã cho phát dọn đường băng cản lửa, phát thực bì trong lô, đóng bảng cấm lửa, xây dựng chòi canh lửa, tổ chức lực lượng tuần tra rừng. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ rừng do kinh phí ít nên công tác PCCCR chưa cao như Công ty Cổ phần Đak Nguyên, Công ty TNHH TM và SX Lộc Phát, Công ty THHH Tân Tiến chưa phát dọn thực bì trong lô; Công ty TNHH Tín Phát một số diện tích chưa phát dọn đường băng cản lửa và thực bì trong lô; Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn một số diện tích chưa phát đường băng cản lửa; Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã triển khai thực hiện PCCCR nhưng vẫn để xảy ra cháy rừng với diện tích 13,7ha. Nhìn chung, các cơ quan quản lý Nhà nước từ tỉnh đến huyện, xã đã có nhận thức ngày càng cao trong công tác PCCCR mùa khô 2012-2013; đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa khô theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Các đơn vị chủ rừng đã cơ bản thực hiện và chấp hành đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật bảo vệ và Phát triển rừng, thường xuyên quan tâm xây dựng và thực hiện phương án PCCCR, xây dựng chòi canh lửa, đóng biển cảnh báo cháy, cấm lửa, tổ chức lực lượng tuần tra và chữa cháy rừng…, nhờ vậy, khi xảy ra cháy rừng đã tổ chức dập lửa kịp thời, không để xảy ra cháy lớn. Cụ thể, vụ cháy rừng trồng tại Tiểu khu 323, Krông Năng xảy ra lúc 15 giờ (ngày 9-2-2013) thì đến 20 giờ cùng ngày đã được dập tắt do có sự tham gia kịp thời của đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm huyện, đội kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3, các lực lượng chức năng của xã Ea Tam và huyện Krông Năng.

Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục kiểm tra các huyện còn lại theo kế hoạch đã xây dựng, tập trung tại các huyện có diện tích rừng trồng lớn dễ xảy ra cháy lớn như: Lak, M’Drak, Ea Kar, Krông Pak; tuyên truyền vận động người dân, các chủ rừng, chính quyền địa phương cùng tham gia bảo vệ rừng; tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng, kiểm tra, nhắc nhở những người dọn nương rẫy, đốt ong thường mang lửa vào rừng. Tổ chức tập huấn, bảo dưỡng, sử dụng thành thạo các máy móc, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng đã được trang bị cho lực lượng kiểm lâm nhằm kịp thời dập tắt khi có cháy rừng xảy ra…

*Cám ơn ông.

Lê Hương (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.