Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak phấn đấu có khoảng 50% số phụ nữ mang thai trên địa bàn được tư vấn, xét nghiệm HIV

11:03, 25/06/2013

Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2013 (diễn ra từ ngày 1 đến 30-6) được triển khai với chủ đề "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015". Cùng với cả nước, tỉnh Dak Lak đã có nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng cao điểm nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên. Dưới đây là ý kiến của thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xoay quanh nội dung này.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Vinh
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Vinh

* Bác sĩ đánh giá như thế nào về hiệu quả của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai hng năm?

Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai hằng năm mang lại hiệu quả rất thiết thực, đặc biệt kể từ khi triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đầu tiên vào tháng 5-2009 đến nay hiệu quả càng rõ rệt hơn với tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngày càng tăng. Có thể nói, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giúp phụ nữ mang thai có nguy cơ phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và có thể điều trị sớm để đứa con của họ không bị nhiễm HIV khi sinh ra. Trên thực tế, nếu chúng ta không can thiệp thông qua các hoạt động dự phòng thì tỷ lệ lây nhiễm nằm ở mức 30-40%, tức là 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai thì sẽ có khoảng 30-40 đứa trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Còn khi chúng ta can thiệp đúng, kịp thời thì tỷ lệ này giảm xuống dưới 5%. Chính vì hiệu quả như vậy nên mỗi năm phải có một Tháng cao điểm đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát HIV ở các bà mẹ có nguy cơ, giúp cán bộ y tế chẩn đoán sớm cũng như chăm sóc, điều trị HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân trên địa bàn. Đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án giúp cho những trẻ có mẹ nhiễm HIV được cung cấp sữa thay thế để hạn chế tối đa lây nhiễm từ mẹ sang con kể cả trong thời kỳ cho con bú.

* Ở Dak Lak, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay được triển khai như thế nào thưa bác sĩ?

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và cơ quan thường trực là Sở Y tế, đến thời điểm này, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã triển khai các hoạt động của Tháng cao điểm cho 15 đơn vị trên địa bàn với mục tiêu huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS và coi đây là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách hiệu quả. Đồng thời tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm với các dịch vụ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Với mục tiêu của tỉnh đề ra là có khoảng 18.000 phụ nữ mang thai trong năm được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tăng 50% so với năm 2012 và chiếm khoảng 50% số phụ nữ mang thai trên toàn tỉnh), tất cả các huyện và xã trọng điểm đều được cấp kinh phí để triển khai các hoạt động truyền thông trong Tháng cao điểm. Đặc biệt, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh dưới mọi hình thức, từ phát phóng sự trên truyền hình, treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường nội đô cho đến nói chuyện trực tiếp với các tổ chức phụ nữ ở địa phương… để tất cả các đối tượng, nhất là phụ nữ mang thai biết đến các dịch vụ hiện có tại địa phương.

abc
Phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV cho người dân tại chợ Buôn Ma Thuột.

* Năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 12.500 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, chiếm khoảng 30% số phụ nữ mang thai trên toàn tỉnh. So với kết quả này, chỉ tiêu 50% của năm nay có quá cao không, thưa bác sĩ? 

Chỉ tiêu này được đề ra dựa trên chỉ tiêu thống nhất với Cục phòng, chống HIV/AIDS. Trên thực tế, chỉ tiêu Cục phòng, chống HIV/AIDS đưa ra có mức độ tối thiểu là 50% và tối đa là 70-80%. Với tình hình và điều kiện của tỉnh, chỉ tiêu trước mắt phải đạt được là 50% và đến năm 2015 mức tối thiểu phải đạt là 60-70%. Để thực hiện được mục tiêu này, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để huy động sự tham gia của mọi ngành, mọi nghề, các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là nam giới và phụ nữ trong độ tuổi lao động chính, tức là độ tuổi sinh sản.

* Chủ đề của Tháng cao điểm năm nay là "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015", theo bác sĩ liệu tỉnh Dak Lak có thực hiện được mục tiêu này?

Đối với bà mẹ mang thai nhiễm HIV, nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đều có trong cả 3 giai đoạn: lúc mang thai, lúc chuyển dạ sinh con và khi cho con bú. Nên trong mọi giai đoạn chúng ta đều phải can thiệp để hạn chế tối đa sự lây nhiễm. Trên thực tế, thời gian qua công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn được thực hiện tương đối tốt. Năm 2012, số phụ nữ mang thai xét nghiệm dương tính với HIV là 11 trường hợp và tất cả những trẻ sinh ra được lấy mẫu xét nghiệm sớm về HIV thì chỉ phát hiện có 1 trường hợp nhiễm HIV. Còn từ đầu năm đến nay có 8 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện và đã có 7 đứa trẻ được sinh ra. Điều may mắn là cả 7 đứa trẻ xét nghiệm giai đoạn đầu đều không bị nhiễm HIV. Kết quả này là cơ sở để chúng tôi phấn đấu hoàn thành mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015.

Tư vấn cách phòng ngừa lây truyền HIV cho người dân tại phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện.
Tư vấn cách phòng ngừa lây truyền HIV cho người dân tại phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện.

* Về cơ sở vật chất, ngành có đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân không, thưa bác sĩ?

Hiện nay, tại 15 huyện, thị xã, thành phố đều có điểm xét nghiệm HIV miễn phí đặt tại Bệnh viện Đa khoa của địa phương và do Bệnh viện phối hợp với Trung tâm y tế thực hiện. Mọi sinh phẩm y tế đều được chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh cung cấp để triển khai thực hiện và việc xét nghiệm này được thực hiện xuyên suốt trong năm. Ngoài các điểm xét nghiệm này, chúng tôi còn có 8 phòng xét nghiệm tự nguyện HIV đặt tại 5 địa phương, đó là: TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pak, Lak, Ea Súp, Krông Bông. Trong lộ trình phát triển, dự kiến năm tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm 3-5 phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV và phấn đấu đến năm 2015, tất cả các địa phương trong tỉnh đều có phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện này. Có thể nói, mạng lưới các phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện và các điểm xét nghiệm HIV miễn phí hoạt động khá hiệu quả và luôn đáp ứng được các nhu cầu của người dân trên địa bàn.  

Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.