Multimedia Đọc Báo in

Về từ "Nhân dân" viết hoa trong Hiến pháp

20:38, 13/12/2013
Ngày 8-12-2013, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo quy định của Nghị quyết Quốc hội, các cấp các ngành có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp đến toàn thể nhân dân.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng rất có ý nghĩa trong quá trình lập hiến, đó là lần đầu tiên từ Nhân dân được viết hoa trang trọng trong Hiến pháp.

Trở lại với quá trình góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có rất nhiều ý kiến tham gia vào nhiều nội dung quan trọng. Trong số các ý kiến tâm huyết ấy, có ý kiến đề nghị viết hoa từ “Nhân dân”.

Cách thức viết hoa trong tiếng Việt, trước đây đã được một số cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo... quy định ở một số văn bản dưới hình thức “quy định tạm thời”. Gần đây nhất, ngày 19-11-2011, tại Thông tư số 01/2011/ TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính đã có quy định cụ thể về viết hoa trong văn bản hành chính. Theo đó, một trong những trường hợp viết hoa là “danh từ chung đã riêng hóa” và dùng trong trường hợp “để thể hiện sự trân trọng”. Ở trường hợp từ “Nhân dân” viết hoa trong bản Hiến pháp 2013, chắc chắn cũng được sử dụng với mục đích ấy chứ không phải vì kỹ thuật hay là chuyện chữ nghĩa thuần túy.

Trong các bản Hiến pháp trước đây, bên cạnh từ “Đảng”, “Nhà nước” được viết hoa trang trọng thì từ “nhân dân” vẫn chưa có được “vinh dự” này. Hiến pháp luôn khẳng định, nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Trong văn bản pháp lý cao nhất của nhà nước đã khẳng định rõ điều đó, tuy nhiên cách thể hiện như trước đây cũng làm không ít người băn khoăn. Nay từ “Nhân dân” viết hoa trong Hiến pháp đã thể hiện truyền thống văn hóa trọng dân của dân tộc và là sự tiếp nối tư tưởng “dân vi bản” của cha ông.

Ai cũng biết rằng Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất và vì vậy khi xây dựng Hiến pháp phải tuân thủ một quy trình chặt chẽ và tính khoa học pháp lý rất cao. Đặc biệt Hiến pháp phải thể hiện rõ nét vị trí người chủ đích thực của quyền lực đó là Nhân dân; khẳng định vị trí Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ.

Với việc viết hoa từ “Nhân dân” trong Hiến pháp lần này, mong rằng không những vai trò chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước sẽ được đề cao và tôn trọng, mà các quyền con người, quyền công dân cụ thể cũng được phát huy và tôn trọng, được bảo đảm thi hành một cách triệt để trong thực tế.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc