Người dân cần chủ động ứng phó dịch cúm gia cầm
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm. Là một trong những nơi tiêu thụ lượng gia cầm lớn của tỉnh, dư luận tại TP. Buôn Ma Thuột đặc biệt quan tâm về vấn đề này. Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN NAM, Trạm trưởng Trạm Thú y TP. Buôn Ma Thuột về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
† Thưa ông, ngành chức năng của TP. Buôn Ma Thuột có động thái như thế nào kể từ khi phát hiện điểm dịch cúm gia cầm tại địa phương?
- Sau khi phát hiện một ổ dịch tại buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng, các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương đã tập trung xử lý ngay trong ngày phát hiện ra ổ dịch, với tổng số là 32 con ngan được tiêu hủy toàn bộ đúng quy trình. Tiếp đó đã tiến hành tổng tiêu độc trên toàn địa bàn buôn nói riêng và xã Hòa Thắng nói chung. Mặt khác, 21 xã, phường trên toàn địa bàn thành phố cũng được tập trung thực hiện việc tiêu độc khử trùng, đặc biệt là những trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm. Chính vì vậy cho đến nay việc bảo vệ, theo dõi đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố là cơ bản ổn định, đặc biệt là không phát sinh thêm về ổ dịch
Nhiệm vụ thứ hai là triển khai, vận động các trang trại, gia trại thực hiện việc chủ động mua vắc-xin tiêm phòng cúm gia cầm. Từ đầu tháng 1 – 2014 cho đến nay trên địa bàn thành phố đã triển khai, giám sát các trang trại, gia trại và tiến hành tiêm phòng được trên 100.000 liều vắc-xin cúm gia cầm. Đây là kết quả phối hợp rất tốt giữa cơ quan chính quyền cũng như người chăn nuôi nhằm chủ động thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh tại các trang trại, gia trại trên toàn địa bàn thành phố.
† Thế còn việc kiểm tra, kiểm soát các điểm chăn nuôi, giết mổ và vận chuyển lượng gia cầm ra vào địa bàn được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Song song với những việc phòng chống dịch bệnh nói trên, Trạm Thú y TP. Buôn Ma Thuột cũng tiến hành phối hợp với các trạm kiểm dịch đầu mối của Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, giám sát nghiêm các trường hợp vận chuyển mua bán gia cầm trên các tuyến quốc lộ giao thông ra vào thành phố. Từ đó cơ bản đã kiểm tra, kiểm soát, giám sát được những trường hợp vận chuyển mua bán. Hầu hết các đối tượng vận chuyển mua bán gia cầm đều có xuất xứ nguồn gốc và giấy kiểm dịch của các nơi đưa về. Thường xuyên giám sát, theo dõi các trang trại, gia trại trong quá trình chăn nuôi, thực hiện việc phòng chống dịch bệnh tổng hợp, như tiêm phòng, tiêu độc và biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay trên thành phố có một số lò giết mổ gia cầm thực hiện đúng quy trình và thường xuyên được kiểm tra chặt chẽ. Riêng đối với một số chợ trung tâm trên địa bàn thành phố, có quy hoạch một khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm riêng, như chợ Tân An và trong quá trình buôn bán, giết mổ, ngành chức năng phối hợp với Ban quản lý các chợ tuyên truyền và hướng dẫn cho những hộ cá thể thực hiện tốt việc mua bán, giết mổ, đặc biệt là vệ sinh tiêu độc trong quá trình giết mổ cuối ngày để thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh thực phẩm và môi trường.
† Theo ông, người chăn nuôi cần chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm như thế nào?
- Tổng đàn gia cầm của thành phố thường dao động từ 700.000 đến 800.000 con. Hiện tại mỗi đơn vị xã phường có một Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, trong đó có một cán bộ thú y phụ trách địa bàn và giám sát thường xuyên. Ngoài ra cần đề cập đến sự chủ động của người chăn nuôi. Trong quá trình chăn nuôi mà đàn gia cầm có biểu hiện khác lạ thì trách nhiệm của người chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn biết để phối hợp kiểm tra và xác định. Như trường hợp tại buôn Kom Leo do nằm cách biệt ở trong rẫy, dân cư thưa thớt, người nuôi đã chủ động nuôi nhốt với số lượng ít nên khi phát hiện kịp thời đã dập tắt. Riêng nguyên nhân lây lan cúm gia cầm thì có nhiều, trong trường hợp này theo tôi nguyên nhân chính là do chim hoang dã di trú mang mầm bệnh từ nơi khác đến.
H.G (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc