Niềm tin pháp luật
Trong xã hội truyền thống hay trong những nhóm xã hội nhỏ như gia đình, nhóm bạn thân thì quan hệ xã hội giữa các cá nhân thường được đặc trưng bởi tính chất trực tiếp, diện đối diện…, người ta tin nhau dựa vào sự yên tâm về sự lương thiện của người khác.
Trong xã hội hiện đại, sự tin cậy không thể chỉ dựa vào sự yên tâm về lòng tốt của người khác. Dù lạc quan tới đâu thì vẫn phải thừa nhận rằng, hiện nay dường như cái nhìn bi quan đối với người khác, với xã hội khá phổ biến. Thậm chí, đôi khi, lòng tốt cũng bị nghi ngờ. Khi mà người khác không làm những gì họ nói, nói khác những gì họ đã làm thì sự hoài nghi sẽ xuất hiện. Thực tế rằng, đằng sau những vất vả mưu sinh, người lao động đang dần bị tước niềm tin bởi những tham nhũng, nhiêu khê trong bộ máy hành chính; những gian lận trong giáo dục, những dối trá trong y tế, hay sự thiếu hụt của các trợ cấp và an sinh xã hội…
Làm thế nào để gây dựng và nuôi dưỡng niềm tin? Có lẽ không thể chỉ dựa vào hy vọng, vào sự yên tâm về lòng tốt của người khác. Sự tin cậy cần được bảo vệ bởi luật pháp. Dù có yên tâm về nhau tới mức nào thì người ta vẫn cần niềm tin luật pháp rằng: Các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sự không làm tròn bổn phận, sự vi phạm các giao kết… sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp. Theo đó, sự điều chỉnh hành vi bởi chuẩn mực luật pháp cần được xem xét trước chuẩn mực đạo đức. Một hệ thống luật pháp rõ ràng, ổn định và bộ máy thực thi luật pháp một cách công minh là cơ sở để chúng ta được sống trong xã hội an toàn.
Hiển nhiên, lòng yêu nghề luôn hướng tới sự chu toàn trong công việc nên việc tăng cường đạo đức nghề nghiệp sẽ tạo cho chúng ta cơ hội được sống trong một xã hội hạnh phúc.
Năm 2014 đã đến với niềm mong không có những sự việc xấu khiến dư luận xã hội bất bình như đã xảy ra trong năm 2013. Chúng ta hy vọng vào những điều tốt đẹp, vào sự hoàn thành bổn phận và ý thức đạo đức cá nhân để cùng nhau sống trong một xã hội an toàn và hạnh phúc.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc