Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn ngành học
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014-2015 có nhiều điểm mới so với các kỳ tuyển sinh trước. Để giúp các thí sinh có thêm kiến thức và định hướng trong việc chọn trường, chọn ngành, Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
* Những điểm mới mà thí sinh cần lưu ý trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là gì, thưa Tiến sĩ?
- Điểm mới trước hết là sửa đổi quy định ưu tiên trong tuyển sinh. Theo đó, chính sách ưu tiên theo khu vực được sửa đổi theo hướng chỉ ưu tiên cho những vùng khó khăn. Cụ thể: khu vực 1, trước đây được quy định là những địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Hiện nay khu vực 1 được quy định là các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3 (xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định hiện hành, còn lại sẽ chuyển sang khu vực 2 nông thôn.
Về đối tượng ưu tiên cũng có nhiều sửa đổi. Trước đây công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thì thuộc đối tượng 01 và trong nhóm ưu tiên 1. Quy định mới yêu cầu đối tượng này phải ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì mới thuộc đối tượng ưu tiên. Đồng thời, còn có các đối tượng ưu tiên thuộc diện chính sách như: người khuyết tật, con của người bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; con của người có công giúp đỡ cách mạng… Đối tượng được tuyển thẳng vào ĐH cũng được mở rộng bao gồm những thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học - kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức. Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong hội thi này được tuyển thẳng vào CĐ.
Tiến sĩ Lê Công Toàn giải đáp những thắc mắc của thí sinh trước kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ |
Về tổ chức tuyển sinh, năm 2014, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”: chung đề, chung đợt và chung kết quả như những năm trước đây. Bên cạnh đó, Bộ chủ trương giao cho các trường tổ chức tuyển sinh riêng theo các nguyên tắc: khuyến khích, tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng cần công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát. Các trường có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục đại học: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài 3 phương thức tuyển sinh nêu trên, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức: phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu…
Bộ GD-ĐT yêu cầu những trường dự kiến tuyển sinh riêng năm 2014 phải gửi đề án về Bộ để được phê duyệt mới thực hiện. Được biết, cho đến thời điểm hiện nay, Bộ chưa phê duyệt đề án tuyển sinh riêng của trường nào, ngoài 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật đã được phê duyệt từ năm 2013 gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Vì vậy, về cơ bản, thí sinh nên chuẩn bị tinh thần tham gia kỳ thi “ 3 chung”.
* Tiến sĩ có lời khuyên gì đối với các thí sinh khi chọn ngành học?
- Thực tế cũng còn nhiều trường hợp việc chọn ngành của các thí sinh là chạy theo bạn bè hoặc do phụ huynh ép buộc. Điều này nhiều khi không có lợi. Vì vậy theo kinh nghiệm cá nhân, khi quyết định lựa chọn ngành nghề nào đó phụ huynh và các em học sinh cần chú ý đến 3 vấn đề sau: phù hợp với năng lực của bản thân, sự hứng thú, say mê với nghề và điều kiện kinh tế gia đình.
Khi lựa chọn ngành nghề để học tập không nên chỉ dựa vào sở thích ngẫu hứng hoặc theo số đông bạn bè mà nên bắt đầu từ tìm hiểu về cơ hội, thách thức cũng như yêu cầu của từng vị trí nghề nghiệp để từ đó xác định mình thích nghề nào, tính cách, giá trị và kỹ năng của mình có phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đó hay không, sau đó mới đến việc tìm xem để làm nghề đó thì nên học ngành nào. Việc chọn ngành nghề phù hợp sẽ giúp mỗi người thành công trên cả con đường học vấn lẫn sự nghiệp sau này nếu đó là sở thích lâu dài, bền vững, phù hợp với năng lực, tính cách, điều kiện của từng người.
* Tiến sĩ có dự báo gì về nhu cầu nguồn nhân lực trong những năm tới?
- Theo dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, thì từ nay đến 2020 các tỉnh phía Nam sẽ cần hơn một triệu lao động nên việc làm rất nhiều và trải đều cho tất cả các nhóm ngành. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là kỹ thuật công nghệ 35%, kinh tế tài chính ngân hàng 33%, khoa học tự nhiên 7%, khoa học xã hội nhân văn và du lịch 8%, kế đến là sư phạm và quản lý giáo dục, nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, văn hóa nghệ thuật và thể thao.
Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (A.E.C) sẽ hình thành. Các em vào trường ĐH năm nay sẽ là những lứa sinh viên đầu tiên đương đầu với sự cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và cũng mở ra cho các em nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường lao động trong cả Cộng đồng kinh tế ASEAN.
* Năm 2014, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng tuyển sinh theo phương thức nào và những ngành gì, thưa Tiến sĩ?
- Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng là cơ sở đào tạo đa ngành. Năm 2014, Trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển căn cứ vào kết quả thi ĐH và CĐ năm 2014 của những thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT tại các trường có tổ chức thi trong phạm vi cả nước. Trong đó, trình độ đại học có 12 ngành: Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị (xét tuyển khối V); Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất (xét tuyển khối V, H); Kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng, Quản lý xây dựng (xét tuyển khối A, A1, V); Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh (xét tuyển khối A, A1, D) và Ngôn ngữ Anh (xét tuyển khối D1). Trình độ cao đẳng có 4 ngành: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (Xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường - xét tuyển khối A, A1, V), Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh (xét tuyển khối A, A1, D).
*Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc