Multimedia Đọc Báo in

Để Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

08:48, 25/03/2014

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột  đến năm 2025 với định hướng xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH THỦ ĐÔ, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột chung quanh nội dung này.

DSC02441.jpg
 

* Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị Buôn Ma Thuột sẽ có cấu trúc như thế nào, thưa ông?

- Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13-2-2014, đô thị Buôn Ma Thuột được điều chỉnh quy hoạch dựa trên cấu trúc đô thị hiện hữu, chủ yếu phát triển dọc theo hướng Đông Bắc và Tây Nam. Cụ thể, cấu trúc đô thị bao gồm 2 vùng: Vùng phát triển đô thị và vùng vành đai xanh. Vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 10.897 ha, gồm các khu vực đô thị hiện có; các dự án đô thị đã và đang triển khai; 4 khu đô thị mới theo quy hoạch và các loại đất khác. Vùng vành đai xanh khoảng 26.821 ha, gồm: vùng sản xuất, chuyên canh cây công nghiệp với công nghệ cao; vùng tái tạo và trồng mới rừng; các lâm viên, các công viên lớn của đô thị; các khu dân cư nông thôn và các chức năng khác ngoài đô thị (du lịch sinh thái…).

* Còn về mặt tổ chức không gian, ông có thể phác họa một bức tranh về đô thị Buôn Ma Thuột trong định hướng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên?

- Nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Buôn Ma Thuột tập trung vào một số kế hoạch phát triển không gian trọng tâm theo hướng: Thứ nhất là trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông vùng (đường bộ, đường hàng không…) và một số công trình hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, chế biến nông sản chất lượng cao…) để có thể đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng. Thứ hai là quy hoạch thành phố phát triển bền vững dựa vào 3 yếu tố: điều kiện tự nhiên, hệ thống rừng và cây công nghiệp nhằm hình thành một thành phố cao nguyên xanh. Theo đó, thành phố sẽ không phát triển lan tỏa như trước đây mà phát triển tập trung hơn, gọn hơn để khai thác hiệu quả đất đai. Các quỹ đất bao quanh khu vực nội thị sẽ ưu tiên tái sinh các khu rừng, nâng cấp các vùng chuyên canh cà phê với phương thức chuyên canh công nghệ cao, tạo thành vành đai xanh rừng và cây công nghiệp bao quanh thành phố. Các yếu tố địa hình, mặt nước, các dòng suối được khai thác tối đa để tạo bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột.

Một góc TP. Buôn Ma Thuột.                      Ảnh: Hoàng Gia
Một góc TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

* Ông vừa đề cập đến vấn đề tạo bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hiếm có thành phố nào lại có những buôn làng trong phố như Buôn Ma Thuột. Vậy các buôn làng này có trở thành điểm nhấn tạo bản sắc riêng ấy trong hành trình xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên không, thưa ông?

- Quy hoạch và chỉnh trang thành phố tạo một không gian đô thị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên là một trong những mục tiêu trọng tâm được thành phố xác định để tạo nét đặc trưng riêng biệt cho Buôn Ma Thuột. Và nền tảng để thực hiện mục tiêu này là hai yếu tố rất đậm nét trong đô thị Buôn Ma Thuột, đó là: bản sắc văn hóa về công trình kiến trúc (các công trình kiến trúc Tây Nguyên gốc, các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Nguyên) và bản sắc về văn hóa phi vật thể - các không gian văn hóa cùng những phong tục, tập quán sinh hoạt, canh tác hiện vẫn còn lưu giữ tại một số buôn làng trong nội thị.

* Nhưng thưa ông, vấn đề đặt ra là trong xu thế phát triển chung, nhiều buôn làng cùng những nét văn hóa đẹp đã mai một, biến thể. Vậy Buôn Ma Thuột cần làm gì để giữ nét riêng ấy?

- Trong quy hoạch, cần bảo tồn không gian cảnh quan và các công trình kiến trúc có giá trị tại các buôn làng. Lập chương trình riêng, chi tiết để đánh giá chính xác lại các giá trị về bảo tồn tại các buôn và từ đó xác định hướng phát triển cho các loại buôn làng. Đối với các buôn làng không còn giá trị bảo tồn thì tạo điều kiện cho cộng đồng chuyển đổi hẳn sang phát triển các khu đô thị văn minh hiện đại. Đối với các buôn làng có giá trị bảo tồn (thực tế thành phố còn khoảng 10-15 buôn làng còn có giá trị bảo tồn) cần lên phương án và hỗ trợ người dân trong công tác bảo tồn. Gắn các buôn với việc khai thác các tour du lịch và hình thức du lịch home stay. Bảo tồn các nét văn hóa đặc trưng trong đời sống cộng đồng như không gian văn hóa cồng chiêng tại các buôn.

* Đó là những định hướng phát triển về mặt không gian, còn những việc cụ thể mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện để xây dựng Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là gì, thưa ông?

- UBND TP. Buôn Ma Thuột tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng khung theo quy hoạch được duyệt, từng bước phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển về hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối các trung tâm lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đường bộ. Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như: Hoàn thiện dự án bệnh viện cấp vùng; hoàn thiện cụm trung học chuyên nghiệp, đại học tại phường Tân An (giai đoạn 1) và cụm Đại học Tây Nguyên (giai đoạn 1); triển khai dự án Trung tâm Vui chơi giải trí đồi Thủy Văn (giai đoạn 1); triển khai dự án khu du lịch sinh thái hồ Ea Kao (giai đoạn 1); triển khai các dự án trồng rừng và vùng cây công nghiệp; triển khai dự án xây dựng từ 2-3 tuyến phố đi bộ (giai đoạn 1); triển khai dự án bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị trong thành phố và thí điểm quy hoạch bảo tồn một số buôn làng có giá trị.

* Xin cảm ơn ông!

Đàm Thuần (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc