Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện quản lý:

Vẫn là chuyện "thiếu kiên quyết"!

12:14, 16/03/2014
Là một trong những địa phương có diện tích rừng đứng đầu trong cả nước, những năm qua, ngành lâm nghiệp Dak Lak đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, thế nhưng vấn đề an ninh rừng vẫn còn khá nhức nhối.
 
Một trong những nguyên nhân đó là việc… thiếu kiên quyết trong xử lý các đối tượng lâm tặc và đầu nậu cũng như các phương tiện độ chế. Nguyên nhân đó đã được nhắc đi nhắc lại khá nhiều từ cuộc họp này qua hội nghị nọ. Con số thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy trên địa bàn toàn tỉnh có 282 đối tượng lâm tặc và đầu nậu, trong đó: lâm tặc là 222 đối tượng; đầu nậu là 60 đối tượng. Phương tiện độ chế sử dụng vào khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản là 252 chiếc bao gồm: ô tô (25 chiếc), xe độ chế (25 chiếc), máy kéo (112 chiếc), công nông (11 chiếc), thuyền (11 chiếc), xe máy (10 chiếc), xe đạp (13 chiếc), xe súc vật kéo (26 chiếc), cưa máy (19 chiếc). Mặc dù, con số thống kê là cụ thể nhưng việc xử lý triệt để lại “gặp nhiều khó khăn”. Báo cáo của chính quyền địa phương cơ sở thì cho rằng đã thuyết phục nhiều đối tượng cam kết chuyển đổi nghề, tiêu hủy nhiều phương tiện, xử lý nhiều đối tượng buôn bán lâm sản trái phép. Vậy nhưng, thực tế thì tình trạng trên vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để, ở nhiều địa phương vẫn tồn tại các đối tượng, phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cũng chỉ mang tính… “nhắc nhở” vì đối tượng bắt được chủ yếu lại là người làm thuê! Câu nói đùa của một cán bộ quản lý trong ngành là kiểm lâm xem ra chỉ toàn “nắm phải kẻ trọc đầu” mà lại thật. Theo dõi diễn biến hiện trạng rừng mới thấy từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm diện tích rừng bị mất khoảng 2.400 ha. Mỗi năm, ngành kiểm lâm phát hiện, xử lý trên dưới 2.000 vụ vi phạm lâm luật!

Không thể không giật mình, băn khoăn trước con số diện tích rừng bị xâm hại, mất đi mỗi năm khi mà UBND cấp tỉnh đã ban hành khá nhiều văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền cơ sở siết chặt quản lý, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành liên quan. Có lẽ, đã đến lúc phải giải mã sự “thiếu kiên quyết” trong xử lý các vụ vi phạm lâm luật. Phải chăng đó là sự tiếp tay, nhân nhượng, bao che…? Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra khi an ninh rừng luôn bị đe dọa, tài nguyên rừng vẫn tiếp tục bị “chảy máu”!

L.H


Ý kiến bạn đọc