"Đã hứa với dân thì phải làm bằng được
Ở một xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt dưới 10 triệu đồng/năm, chuyện huy động nguồn lực từ nhân dân trong xây dựng nông thôn mới tưởng như khó thực hiện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây công tác vận động người dân đóng góp xây dựng các cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc: không chỉ góp công, góp sức, bà con còn sẵn sàng hiến đất, tiết kiệm từ nguồn thu nhập ít ỏi của mình để làm đường, làm cầu, xây phòng học... Hỏi ra mới biết, hóa ra “chìa khóa” để giải bài toán khó trong huy động sức dân lại là “trọng lượng” của lời hứa!
Vị Chủ tịch UBND xã giải thích: “Một khi đã hứa với bà con là phải làm bằng được thì mới tạo được niềm tin của người dân. Chẳng hạn, khi chúng tôi vận động và bà con đồng ý hiến đất để xây dựng phòng học thì dù ngân sách xã có hạn, bằng mọi cách xã cũng phải làm được phòng học trong thời gian sớm nhất. Đó chính là minh chứng tốt nhất để bà con thấy được hiệu quả cũng như lợi ích từ việc đóng góp của mình”.
“Đã hứa với dân thì phải làm bằng được” , “nói thì phải làm” – nguyên tắc đạo đức của Bác Hồ mà bất cứ cán bộ, đảng viên nào cũng biết, cũng đã được học song không phải ai cũng làm được. Nơi này nơi kia vẫn có không ít cán bộ hứa rồi... để đó; thậm chí có những vụ việc mà kỳ tiếp xúc cử tri nào người dân cũng phản ánh và đều nhận được lời hứa sẽ xem xét, giải quyết nhưng nhiều năm vẫn không giải quyết. Một vị cán bộ lãnh đạo ở địa phương nọ đã từng thốt lên: “Ngoài xã hội hiện nay đang lan truyền câu nói vui là: dạo này đã có những người đổi họ thành họ “Hứa” để ám chỉ những vị chỉ giỏi hứa hẹn mà quên thực hiện lời hứa. Càng có thêm nhiều người “họ Hứa” như vậy thì sự phát triển của đất nước sẽ bị kìm hãm, lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước sẽ bị xói mòn”. Dễ thấy những cán bộ luôn tôn trọng và thực hiện được lời hứa với dân là người gần dân, sát dân, quan tâm đến dân và được dân tin tưởng, tín nhiệm. Nhiều người dân cảm kích nhắc đến một vị lãnh đạo đầu ngành Giao thông vận tải thường xuyên trực tiếp thị sát công việc của ngành; phát hiện ở đâu xảy ra tình trạng làm đường ẩu, xe quá tải hoặc cầu không bảo đảm chất lượng dẫn đến tai nạn là ông lập tức có mặt, chỉ đạo cấp dưới giải quyết ngay và chỉ vài ngày sau những biện pháp do ông đề ra đã được thực thi. Có người dân từng thốt lên: “Giá mà cán bộ nào cũng được như ông thì dân được nhờ”!.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc