"Ra trận"...
Trước nay dù chẳng có quy định thành văn nào nhưng xã hội vẫn thường hiểu, nhìn nhận và cho rằng lãnh đạo lo việc vĩ mô hơn là “chạy ra đường” giải quyết những sự vụ phát sinh. Nhưng thực tế cũng đã minh chứng khi người đứng đầu trực tiếp “ra trận”, trực tiếp đi thực địa chỉ đạo điều hành thì đã giải quyết được nhiều vấn đề. Cùng với những báo cáo, số liệu thống kê, sự sâu sát thực tế sẽ giúp người lãnh đạo nắm bắt, kiểm tra công việc một cách cụ thể, thấu đáo, tường tận hơn. Chúng tôi được kiểm chứng điều này khi vừa qua được tham dự một buổi đối thoại về lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch của lãnh đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột với người dân ở một xã nọ trên địa bàn. Và yêu cầu “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn), “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) theo như phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi nói về thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giao tiếp và giải quyết công việc cho dân, chúng tôi đã thấy được qua cuộc đối thoại này. Hầu hết các ý kiến của bà con được trân trọng lắng nghe, giải đáp, tiếp thu. Những khúc mắc, đề nghị của người dân thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã đã xin mời hộ dân ngay buổi chiều hôm đó đến gặp cán bộ địa chính xã để được giải quyết. Thậm chí có những thủ tục, vụ việc giải quyết chậm, trưởng một số phòng, ban còn thẳng thắn nhận trách nhiệm, xin lỗi bà con và khẳng định sẽ kiểm tra lại để sớm có câu trả lời. Đặc biệt trước bức xúc của một người dân về tranh chấp đất đai, ngay sau cuộc đối thoại, vị Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn buổi đối thoại đó đã yêu cầu cả đoàn cán bộ xuống kiểm tra hiện trường để có cách giải quyết và xử lý thỏa đáng.
Hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành khi lãnh đạo trực tiếp “ra trận”, đi thực địa là không thể phủ nhận. Tiếc là do tính chất công việc và nhiều nguyên nhân khác mà “mật độ” “ra trận” còn chưa được như mong đợi của người dân…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc