Giá trị của niềm tin
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được xã hội đặc biệt quan tâm, bởi đây là sự kiện quan trọng, liên quan đến rất nhiều gia đình có con em tham dự và cũng bởi một phần sau những gian lận xảy ra tại kỳ thi năm trước ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang - mặc dù tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là trường hợp cá biệt nhưng lại hết sức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận không nhỏ người dân.
Để lấy lại niềm tin không có cách nào khác là phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia trung thực, khách quan, công bằng, nghiêm túc. Vì vậy Bộ GD-ĐT đã dốc toàn lực và có những điều chỉnh quyết liệt cả về phương diện quản lý cũng như các giải pháp kỹ thuật trong kỳ thi năm nay.
Theo đó, nhiều điểm mới đã được xây dựng, áp dụng, tạo “hàng rào” quy chế chặt chẽ, trong đó đáng chú ý là việc sắp xếp phòng thi có sự thay đổi, thí sinh tự do, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên đều xếp thi chung với thí sinh THPT. Công tác coi thi được siết chặt hơn từ việc niêm phong, quản lý bài thi, đến việc sử dụng camera giám sát, phân rõ trách nhiệm các thành viên trong hội đồng (thanh tra, công an); phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Công tác chấm thi trắc nghiệm có sự thay đổi, trong đó đặc biệt là sự tham gia của các trường đại học trực tiếp chấm trắc nghiệm. Việc xét tốt nghiệp THPT cũng thay đổi theo tỷ lệ 70% bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Cư M'gar (huyện Cư M'gar). |
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù “hàng rào” quy chế có chặt chẽ thế nào, nhưng nếu đội ngũ nhân lực thực thi không làm "tròn vai", một bộ phận nào đó thiếu trách nhiệm, thậm chí cố ý làm trái quy định thì vẫn có khả năng “lách kẽ hở”. Về điều này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã thừa nhận: "Kỹ thuật, công nghệ có tốt đến đâu, hoàn thiện đến mức độ nào nhưng nếu nhân sự tham gia vào kỳ thi làm không tốt, cố ý vi phạm thì sai sót vẫn có thể xảy ra. Do vậy để hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố, sai phạm, việc cải thiện phải bắt đầu từ con người – nhân sự trực tiếp làm công tác này phải là những người có trách nhiệm, ý thức kỷ luật tốt, nhất là ở những khâu coi thi, chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi; đồng thời phải xác định “5 rõ”, đó là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ sản phẩm. Từng người làm tròn trách nhiệm của mình ở từng khâu, từng vị trí, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất".
Niềm tin cũng giống như cục tẩy, sẽ càng ngày càng mòn vẹt, nhỏ lại sau mỗi lần sai phạm. Với những bài học kinh nghiệm rút ra, cùng những chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp hiệu quả, hy vọng sẽ không có những câu chuyện buồn như tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Niềm tin xã hội sẽ ngày càng được củng cố từ sự công bằng, khách quan, kết quả có độ tin cậy cao của kỳ thi.
Ý kiến bạn đọc