Multimedia Đọc Báo in

Đừng để người dùng mất niềm tin vào thực phẩm

10:21, 17/09/2019

Thực phẩm bẩn tràn lan, hàng loạt vụ ngộ độc thức ăn nghiêm trọng và rất nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng phát hiện đã và đang khiến người tiêu dùng lo lắng, mất dần niềm tin khi sử dụng.

Mới đây, bạn tôi kể chuyện ra chợ mua hàng, khi hỏi nguồn gốc mớ rau có sạch không, người bán liền cáu bẳn “mua hàng ở chợ mà đòi hỏi nhiều quá”. Bạn ngớ người ra, đặt bó rau xuống, rồi đi lòng vòng quanh chợ, nhưng chưa thể nghĩ ra hôm nay sẽ nấu món gì cho cả nhà. Sự lo ngại của bạn không phải vô cớ, bởi gần như ngày nào, người tiêu dùng, trong đó có bạn đều nghe, được thông tin về thực phẩm bẩn.

Dạo quanh một số chợ trên địa bàn sẽ hiểu rõ hơn tâm tình của người tiêu dùng. Vừa lúc người bán đon đả với khách rằng rau do nhà mình trồng thì xe cung cấp hàng xuất hiện cho biết rau củ bỏ giá sỉ hôm nay cao hơn, lấy bao nhiêu?. Tại hàng thịt, người bán cho rằng heo người nhà nuôi, tươi ngon, chất lượng, nhưng khi mua về, miếng thịt luộc chảy nước, nhão nhoét khiến cả nhà phải dè chừng. Đó là chưa kể các mặt hàng được chế biến sẵn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, an toàn thực phẩm… vẫn bày bán tràn lan trên một số kệ hàng.

Bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Kim Oanh
Bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Kim Oanh

Người tiêu dùng không bất an sao được khi ngày càng có nhiều vụ ngộ độc tập thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Ngay trên địa bàn tỉnh, chỉ trong một ngày vào tháng 7-2019 đã có hơn 300 người phải nhập viện cấp cứu với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt… khi ăn tiệc cưới. Hay như ở một cửa hàng bánh mì được người dân tin dùng nhiều năm với lượng khách lớn cũng vi phạm an toàn thực phẩm, khiến trên 210 người bị ngộ độc. Bị phạt tiền, hay đình chỉ hoạt động là cái giá mà đơn vị, cá nhân kinh doanh phải trả, nhưng nghiêm trọng hơn thế là họ đã đánh mất uy tín của mình và niềm tin người dùng - sự tin tưởng mà rất nhiều năm qua hai bên đã dày công gây dựng…  

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, người dân thành phố đã tìm cách bảo vệ sức khỏe gia đình mình. Họ mua thùng xốp, tận dụng khoảng trống vỉa hè để trồng rau tự cung tự cấp; mua thực phẩm ở dưới quê, hoặc chấp nhận mua giá cao hơn rất nhiều lần… để tìm đâu đó chút niềm tin vào sự an toàn. Sức khỏe con người là quý giá nhất, mong rằng các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng thực phẩm có lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng, đừng để người tiêu dùng phải lo lắng, bất an khi sử dụng.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.