Biến thách thức thành cơ hội
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona đã tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giữ thái độ bình tĩnh, chủ động trong ứng phó và xử lý, dưới một góc nhìn khác, có thể xem đợt dịch bệnh này như "phép thử" để tiếp tục nhận diện nhiều điểm yếu, từ đó tôi rèn khả năng ứng biến, ở tầm vĩ mô hơn là tái cơ cấu, xây dựng chiến lược phát triển của các ngành…
Có lẽ trước tiên phải nói đến ngành Du lịch. Không chỉ khách trong nước mà cả lượng khách quốc tế cũng giảm sút khi dịch bệnh lây lan ở nhiều quốc gia, châu lục. Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch đã xây dựng 3 kịch bản dự báo diễn biến của dịch, cụ thể: Kết thúc quý I, dịch sẽ chấm dứt và các hoạt động du lịch phục hồi trở lại; kết thúc quý II vào mùa hè, dịch chấm dứt và kịch bản thứ ba là dịch kết thúc vào quý III năm 2020. Với từng kịch bản, ngành đều có đánh giá, phương án để đảm bảo ngành du lịch hoạt động ổn định. Tổng cục Du lịch đề nghị các doanh nghiệp coi đây không chỉ là giai đoạn khó khăn mà còn là cơ hội đánh giá lại chiến lược phát triển, năng lực, từ đó có bước phát triển bền vững tiếp theo.
Du khách tỉnh Khánh Hòa tham quan, trải nghiệm cà phê tại Làng Cà phê Trung Nguyên. Ảnh: N.Kiều |
Một động thái cụ thể là Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã cho ra đời liên minh kích cầu du lịch quy mô quốc gia, nhằm cùng nhau thực hiện kích cầu du lịch quy mô quốc gia ở những điểm đến an toàn, phù hợp với nhu cầu du khách. Bước đầu liên minh minh kích cầu tiến hành chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch tại 4 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk.
Đối với ngành Nông nghiệp, thương mại của lĩnh vực nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã, đang và sẽ chịu nhiều “tổn thương” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, đi tìm lời giải cho bài toán giải pháp ứng phó với Covid-19 có thể giúp ngành tiếp tục nhận diện để khắc phục những điểm yếu cố hữu, hóa giải những hạn chế còn tồn tại bấy lâu.
Phải nhìn nhận một thực tế là ngay cả những thời điểm không có dịch bệnh chúng ta vẫn vấp phải tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu. Đó là hệ lụy của việc “cát cứ” trong sản xuất, mạnh địa phương nào địa phương ấy làm, thiếu quyết liệt trong thực hiện quy hoạch, phát triển từng vùng nguyên liệu, dẫn đến dễ dư thừa nguồn cung; là câu chuyện thiếu những cái “bắt tay” liên kết để sản xuất hàng hoá một cách bài bản, gây dựng được uy tín và thương hiệu; là dư địa lớn của thị trường nội địa vẫn chưa được khai thác tối đa…
Thậm chí khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đưa ra dự báo, năm 2020 sẽ là một năm đầy khó khăn bởi những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp. Chúng ta vẫn không có nhiều chuyển động trong việc xây dựng và thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc, dù phía Trung Quốc - đối tác lớn của nông sản Việt Nam, đã thông báo từ hai năm trước.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để bàn và chỉ đạo về phòng chống COVID-19 ngày 27-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, bên cạnh việc kiên quyết ngăn chặn dịch có hiệu quả thì cần phải có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là năm thành công về kinh tế, ổn định về xã hội, hoàn thành đầy đủ, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã giao. Gian nan, thử thách chính là cơ hội để thử sức, phát hiện, tìm kiếm và khẳng định năng lực quản lý, điều hành, nảy nở những ý tưởng và sáng kiến để có những bước đi gỡ khó và đột phá...
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc