Multimedia Đọc Báo in

Không để "đứt gãy" nền kinh tế!

10:50, 05/08/2020
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 ngày 3-8 vừa qua, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng qua của nước ta vẫn tiếp tục phát triển, duy trì tăng trưởng dương, trong đó nhiều lĩnh vực có những chuyển biến tích cực. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán năm; chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
 
Dù trong bối cảnh nhiều nước lao đao vì Covid-19 nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng. Đó là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa; xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua.
 
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tháng 7 và 7 tháng tăng mạnh; tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) tháng 7 tăng 76,2% so tháng 6 và tăng 79,8% so cùng kỳ năm 2019; tính chung 7 tháng ước đạt 18,8 tỷ USD, bằng 93,1% cùng kỳ. Điều đó cho thấy Việt Nam đang tận dụng được cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
 
Sản xuất thép tại Công ty CP Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia
Sản xuất thép tại Công ty CP Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia
Tuy nhiên, sự hồi phục sức khoẻ của nền kinh tế sau làn sóng Covid-19 lần thứ nhất, đang đối diện với những thách thức. Đó là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước; là cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp, thêm vào đó là thiên tai, lũ lụt và đặc biệt thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là dịch Covid-19 với diễn biến khó lường khi làn sóng thứ hai bùng phát, tâm dịch là Đà Nẵng và hiện đã lan đến một số tỉnh, thành phố.
 
Không để "đứt gãy" nền kinh tế, giữ vững cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, với chủ trương này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống Covid-19 để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”, ngoài nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng phải là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, phải tập trung xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm an ninh biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế…
 
Về đầu tư công, với phân tích nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì góp phần tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Xử lý nghiêm các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020.
 
Đàm Thuần

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.