Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh của nền y tế "phục vụ"

09:35, 06/08/2020
Sau một thời gian tạm lắng, mọi sinh hoạt của người dân gần như trở lại bình thường thì ngày 25-7 nước ta lại phát hiện ca lây nhiễm vi rút Sars-CoV-2 trong cộng đồng. Đợt bùng phát này bắt đầu từ thành phố Đà Nẵng và đến nay đã lây nhiễm ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước với nhiều ca mắc mới.
 
Sự nguy hiểm là ở chỗ quá trình truy vết để tìm ra ca F0 là vô cùng khó khăn, tốc độ lây lan nhanh, nhiều ca mắc có biểu hiện nặng do mắc nhiều bệnh nền và đã có trường hợp tử vong, từ đó tạo ra tâm lý lo lắng trong một bộ phận nhân dân.
 
Tuy nhiên, ngay từ đầu đợt bùng phát này và từ đó đến nay, Đảng, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, ngành y tế đã có nhiều biện pháp tổng lực, dồn sức dập dịch. 
 
Ở giai đoạn trước, dưới sự tư vấn, chịu trách nhiệm về chuyên môn của ngành y tế, nước ta đã chiến thắng đại dịch Covid-19 một cách xuất sắc, được cả thế giới ngưỡng mộ. Trong điều kiện nền y tế còn hết sức khó khăn về trang thiết bị, nguồn nhân lực còn mỏng, trình độ chuyên môn y tế không phải là cao so với nhiều nước tiên tiến... thì điều gì làm nên chiến thắng đó?
 
Giải thích điều này có thể dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đó là ưu việt của chế độ ta, không phải chế độ này thì không đạt được kết quả như vậy đâu”. Điều này thể hiện ở sự đoàn kết, nhất quán trong chỉ đạo của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn có dịch; ở những quyết sách, chủ trương, biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, căn cơ ngay từ đầu của Đảng, Chính phủ và được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. 
 
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm đối với người trở về từ vùng dịch Covid-19. Ảnh: Kim Oanh
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm đối với người trở về từ vùng dịch Covid-19. Ảnh: Kim Oanh
Trong đối xử với bệnh nhân thì quan điểm của Đảng, Chính phủ là không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, vùng miền; đã là bệnh nhân thì được chữa trị như nhau và hoàn toàn miễn phí (trong điều kiện nước ta còn nghèo). Điều này thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tính nhân văn của chế độ, giúp làm nên thành công của Việt Nam trong đợt dịch bùng phát trước đây.
 
Riêng đối với ngành y tế thì tất cả đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên phục vụ, ngay từ đầu đã xác định tư tưởng dấn thân, xung phong lên tuyến đầu, không nề hà khó khăn, nguy hiểm, không màng lợi ích cá nhân, quyết tâm cao độ cứu chữa, phục vụ bệnh nhân hết mức có thể. Trong cuộc chiến này, nhiều y, bác sĩ không may nhiễm bệnh nhưng đều được chữa khỏi.
 
Có thể nói, chỉ có nền y tế “phục vụ”, nền y tế vì nhân dân của nước ta mới làm nên được kỳ tích đó; nó khác xa về bản chất so với nền y tế “dịch vụ” của nhiều nước tư bản. Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới đến nay, có thể khẳng định rằng: không ở đâu có chính sách cách ly và điều trị hiệu quả như Việt Nam, không ở đâu điều trị Covid-19 không mất phí, không phân biệt đối xử như Việt Nam.
 
Sự ưu việt của chế độ ta, bản chất “phục vụ” của nền y tế nước ta đã giúp nhân dân ta vượt qua giai đoạn dịch trước đây. Với tinh thần đó và kinh nghiệm có được, chắc chắn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam sẽ lại chiến thắng đợt bùng phát dịch lần này.
 
Khắc Sơn

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.