Bảo vệ môi trường như tinh thần phòng, chống COVID-19
Mỗi năm, biến đổi khí hậu có thể lấy đi của Việt Nam từ 6 - 7 điểm phần trăm tăng trưởng. Còn những ẩn họa cho sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường thì không chỉ là thảm họa hiện hữu của hiện tại mà còn tác động lâu dài đến thế hệ tương lai.
Tại sao vấn đề bảo vệ môi trường không được thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt như đã và đang làm với COVID-19? Câu hỏi ấy thực tế đã được đặt ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những thách thức từ biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường thì vẫn còn tiếp diễn.
Tất nhiên, một cách lý giải chung sẽ là: Đại dịch phải hành động ngay nếu không số người chết sẽ tăng nhanh và có thể không kiểm soát được trong thời gian ngắn, chưa kể còn phải đồng thời giảm thiểu các tác động tàn phá về kinh tế và xã hội.
Rác thải là vấn đề gây nhiều phiền toái cho nhiều địa phương. (Trong ảnh: Bãi rác ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn cháy, khói âm ỉ, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Lý giải ấy không sai, nhưng từ đó mà suy luận rằng thách thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là "chuyện dài kỳ", cứ từ từ, xử trí từng bước thì sẽ phải gánh chịu thêm nhiều thảm họa không thể lường trước. Minh chứng là dù đã được đưa lên bàn nghị sự, bàn thảo, xây dựng, thực hiện nhưng vẫn có sự “đủng đỉnh” trong việc điều chỉnh chính sách và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu. Chung tay để bảo vệ môi trường trên thực tế vẫn còn là khẩu hiệu, "không phải việc của mình", chưa trở thành ý thức và hành động thường xuyên của mỗi người.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia nhanh nhạy, sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chính bởi đã thực hiện được ba điểm mấu chốt: Chuẩn bị sẵn sàng, khả năng phản ứng nhanh và chiến lược khéo léo.
Những biện pháp này hoàn toàn có thể áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề khí hậu và môi trường để giảm thiểu những thiệt hại, thậm chí là ngăn chặn những thảm hoạ mà nếu tiếp tục chậm chân sẽ không thể khắc phục.
Suy cho cùng, thiên tai và cả dịch bệnh với những căn bệnh quái ác, sự biến chủng của các loại vi rút cũng bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.
Phương pháp tái sinh rừng bằng "Bom hạt giống" đang thu hút sự quan tâm của những bạn trẻ yêu thiên nhiên ở Đắk Lắk. Ảnh: Khả Lê |
Điều đặc biệt quan trọng là nhìn từ cuộc chiến với đại dịch COVID-19 hiện nay, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các địa phương, các lực lượng y bác sĩ, bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên, có thể nhận thấy sự đồng lòng vào cuộc của chính người dân trong chấp hành và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Sẽ thực sự hiệu quả khi ứng phó với biến đối khí hậu, mỗi người cũng có được tinh thần như thế. Nhận thức đúng sẽ giúp con người thay đổi hành vi để sống có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống xanh, sạch, an toàn cho hiện tại và cả tương lai..
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc