Multimedia Đọc Báo in

Chống dịch - Cần lắm những ứng xử phù hợp

10:25, 22/07/2021
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh chóng và phạm vi rộng lớn. Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều địa phương đã phải áp dụng các quy định giãn cách xã hội ở những mức độ khác nhau. Đây là việc làm cần thiết vào lúc này, nhưng đòi hỏi các bên liên quan phải có cách ứng xử phù hợp mới có thể phát huy cao nhất những quy định đưa ra.
 
Những ngày gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về trường hợp một Phó Chủ tịch UBND phường tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có cách hành xử chưa phù hợp khi địa phương này áp dụng Chỉ thị 16. Theo clip ghi lại sự việc, vị Phó Chủ tịch UBND phường này đã cho giữ xe của một anh công nhân đi mua bánh mì vì cho rằng “bánh mì không phải lương thực, thực phẩm” nên việc anh công nhân đi mua là vi phạm quy định chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ở đây không tranh luận thêm bánh mì có phải là “lương thực, thực phẩm", điều đáng nói là cách hành xử của vị Phó Chủ tịch phường này với người dân. Tiếp xúc với người dân, nhưng vị cán bộ phường đã có những lời lẽ chưa đúng mực, khó nghe, thậm chí là miệt thị, quát tháo, dọa nạt…
 
Cũng là việc kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16, trên một số phương tiện thông tin đại chúng lại đăng tải một clip ghi lại sự việc một cán bộ công an phường chỉ mất hơn 30 giây để thuyết phục người dân đóng cửa hàng, tuân thủ Chỉ thị 16. Theo nội dung trên clip, với thái độ nhẹ nhàng, lý lẽ thuyết phục, chiến sĩ công an phường chỉ mất đúng 38 giây để người dân hiểu và lập tức đóng cửa hàng, tuân thủ lệnh giãn cách. Không những dùng lời lẽ rất từ tốn, chiến sĩ công an này trước khi rời đi còn không quên động viên chủ cửa hàng "Chịu khó nhé", khiến ai nghe cũng cảm thấy dễ chịu, được tôn trọng.
 
Lực lượng chức năng trực chốt phong tỏa một khu vực có yếu tố dịch bênh COVID-19 tại TP. Buôn Ma Thuột
Lực lượng chức năng trực chốt phong tỏa một khu vực có yếu tố dịch bệnh COVID-19 tại TP. Buôn Ma Thuột
 
Xét về bản chất, hai cán bộ này đang thực hiện một nhiệm vụ giống nhau, đó là bảo đảm người dân thực hiện nghiêm túc những quy định của Chỉ thị 16. Tuy nhiên, với cách hành xử khác nhau, kết quả mang lại hoàn toàn trái ngược. Một bên là sự chấp hành trong tâm thế bị cưỡng ép, khó chịu; một bên là tự giác chấp hành một cách vui vẻ. Một bên bị dư luận lên án gay gắt và phía ngược lại đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
 
Phải thừa nhận, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trách nhiệm của đội ngũ thực thi công vụ là rất nặng nề, khó khăn. Những công việc liên tục từ công tác phòng, chống dịch bệnh tạo nên những áp lực không hề nhỏ, nhất là với đội ngũ làm công tác trực tiếp tại hiện trường. Bởi ở đó, đội ngũ thực thi công vụ phải hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc, xử lý những mối quan hệ hết sức đa dạng, phong phú với mọi lớp người ở các cương vị và thành phần khác nhau. Chưa kể những áp lực về trách nhiệm nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Thế nhưng, với người dân, họ cũng đang phải gánh chịu rất nhiều khó khăn bởi những tác động của dịch bệnh. Áp lực cuộc sống cũng khiến nhiều người khó có thể giữ được bình tĩnh và có những phản ứng tiêu cực nhất thời. 
 
Trong cuộc sống, ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ là rất quan trọng. Ứng xử phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, trong khó khăn chung của cả xã hội lại càng quan trọng hơn. Vì vậy, đòi hỏi mỗi người thực thi công vụ phải nỗ lực rất nhiều, cố gắng dung hòa để không bị ràng buộc bởi quy định cứng nhắc.
 
Thay vào đó phải luôn chủ động, linh hoạt để đạt được mục tiêu, hiệu quả của nhiệm vụ được phân công. Với mỗi người dân, bên cạnh nghiêm túc thực hiện những quy định của các cấp, các ngành cũng cần có những sẻ chia với lực lượng làm công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Có như vậy, việc chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19 có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn với tất cả mọi người.
 
Giang Nam

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.