Multimedia Đọc Báo in

Sâu nặng nghĩa đồng bào

08:46, 18/07/2021

TP. Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày đầy cam go và khốc liệt khi phải oằn mình chống chọi với đại dịch COVID-19. Để chi viện cho đô thị lớn nhất đất nước và là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố dành những gì tốt nhất cho TP. Hồ Chí Minh trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh đang hoành hành.

Với truyền thống đạo lý tương thân tương ái từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam, những ngày qua nhiều tỉnh thành đã hỗ trợ sức người sức của cho TP. Hồ Chí Minh. Người dân của nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk, đã tự nguyện quyên góp rau xanh, củ quả, nhu yếu phẩm để gửi tặng bà con thành phố. Những “chuyến xe yêu thương” chở đầy hàng hóa, thực phẩm và chất chứa ân tình sâu nặng nghĩa đồng bào đã lăn bánh hướng về tâm dịch nhằm san sẻ khó khăn với người dân đang cạn dần sức lực trong các khu cách ly. Nhiều y bác sĩ và tình nguyện viên vừa rời “chảo lửa” Bắc Giang, Bắc Ninh chưa kịp nghỉ ngơi lại khoác ba lô tình nguyện lên đường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh.

Sự chia sẻ, hỗ trợ của các vùng miền với TP. Hồ Chí Minh là minh chứng cao đẹp về tình nghĩa đồng bào của con dân nước Việt dành cho nhau trong gian nan, hoạn nạn! Bao nhiêu năm nay, mỗi khi các địa phương khác gặp thiên tai, địch họa, người dân TP. Hồ Chí Minh lại dốc lòng quyên góp tiền bạc, hàng hóa gửi tặng đồng bào mình. Những chuyến hàng cứu trợ trĩu nặng ân tình từ TP. Hồ Chí Minh đã vượt cả ngàn cây số đến với đồng bào miền Trung đang lao đao trong bão lụt, đến với người dân vùng cao Tây Bắc đang chịu cảnh tang thương do lũ quét…

Người dân Đắk Lắk quyên góp rau quả, thực phẩm gửi tặng người dân TP. Hồ Chí Minh trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Gia
Người dân Đắk Lắk quyên góp rau quả, thực phẩm gửi tặng người dân TP. Hồ Chí Minh trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Gia

Người Sài Gòn vốn hào sảng, bao dung, nghĩa hiệp. Vì cảm mộ cái khí chất hào hiệp, trượng nghĩa được định hình từ thuở tiền nhân mở cõi đất phương Nam mà không ít người đã “phải lòng” Sài Gòn. Nhiều người từ khắp các vùng miền khác nhau trong cả nước đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình trong hành trình mưu sinh, lập nghiệp.

Những ngày toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đã được chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động về tấm lòng san sẻ yêu thương mà người dân TP. Hồ Chí Minh dành cho nhau trong lúc khốn khó. Nhiều người vô gia cư đã nghẹn ngào đến bật khóc khi giữa đêm tối bất ngờ nhận được món quà là thức ăn, đồ uống từ các bạn trẻ là tình nguyện viên hằng đêm mang đồ cứu trợ rong ruổi trên đường phố Sài thành trong mùa dịch. Những thân phận yếu thế như người lượm ve chai, bán vé số dạo, người chạy xe ôm… cảm thấy ấm lòng khi nhận những suất cơm miễn phí, những gói mì tôm, cân gạo cứu đói từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện. Từ sâu thẳm tâm can, những mảnh đời cơ cực ấy cảm nhận được rằng: không ai bị bỏ rơi trong những tháng ngày cả thành phố gần như sức cùng lực kiệt khi phải căng mình chống chọi với “trận cuồng phong” COVID-19. Cảm kích trước nghĩa cử “nhường cơm sẻ áo", đùm bọc dìu nhau qua đại dịch, một độc giả đã viết trên báo mạng những vần thơ đầy xúc cảm: “Đồng bào của mình đó/ Không thương thì thương ai?”!

Đại dịch rồi sẽ đi qua. Vượt lên trên những gian truân, khốc liệt trong cuộc chiến này, một lần nữa vẻ đẹp truyền đời của nghĩa tình đồng bào đất Việt lại ngời sáng. Đó chính là nguồn lực sức mạnh tinh thần vô song đã đưa dân tộc Việt Nam qua khỏi những thác ghềnh của lịch sử. Truyền thống ấy đang được tiếp nối khi nhân dân cả nước lại đồng lòng sát cánh bên nhau để chiến thắng dịch bệnh, vững vàng vượt qua mọi thử thách chông gai trong những tháng ngày đầy biến động này!

Quang Ánh


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.