Multimedia Đọc Báo in

Những quy định mới, sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

10:44, 05/05/2010
Ngày 2-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho Nghị định số 146/CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5. Sau đây là những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung của Nghị định này:
 
Nghị định số 34/2010/NĐ-CP gồm 4 chương, 58 điều; ít hơn 1 chương, nhiều hơn 1 điều so với Nghị định 146/2007/NĐ-CP. Nghị định 34 bỏ Chương IV về “Quyền khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm” vì đã có Luật khiếu nại, tố cáo điều chỉnh; thêm Điều 42: “Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định và an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới” và các Điều 43, 44, 45, 46 áp dụng xử phạt thí điểm thời gian 36 tháng đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt.
Nghị định mới quy định thêm hình thức phạt bổ sung “buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra” và “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất phương tiện” đã nhập không đủ điều kiện hoạt động, trái với quy định của Chính phủ; bổ sung thời hiệu xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai là 2 năm.
Thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông   Ảnh TL

Các mức phạt đối với những hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển xe ô tô, mô tô đều được điều chỉnh cao hơn. Mức phạt thấp nhất đối với hành vi người điều khiển, người ngồi hàng ghế trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt được nâng lên 3 lần (từ 50.000 đồng lên 150.000 đồng). Mức phạt cao nhất đối với hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, chống người thi hành công vụ được nâng từ 15 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Hành vi đi mô tô lạng lách, đánh võng, đi bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh, buông cả 2 tay, dùng chân điều khiển... mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn, mức phạt trung bình được nâng từ 10 triệu đồng lên 12 triệu đồng.
 
Nghị định 34 bổ sung quy định xử phạt các hành vi: điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách “cự ly tối thiểu giữa 2 xe” theo biển báo sẽ bị phạt đến 200.000 đồng, đối với mô tô bị phạt đến 60.000 đồng (quy định hiện hành chỉ áp dụng khi xe đang chạy trên đường cao tốc); điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi về bên phải phần đường xe chạy có thể bị phạt đến 500.000 đồng đối với ô tô, 200.000 đồng đối với mô tô. Nghị định 34 tách riêng 2 hành vi vi phạm dừng xe và đỗ xe ô tô để nâng mức phạt thay vì trước đây chỉ quy định chung một mức phạt như: dừng xe không sát theo lề đường bên phải hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; dừng trên miệng cống thoát nước, miệng hầm đường điện thoại, điện cao thế... thì bị phạt đến 200.000 đồng, nhưng đỗ xe tại các vị trí này hoặc dừng xe, đỗ xe ở bên trái đường một chiều, nơi đường cong, che khuất tầm nhìn, trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang đỗ, trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau hoặc 2 bên cổng trụ sở cơ quan có thể bị phạt đến 500.000 đồng.
 
Người điều khiển xe ô tô vi phạm tốc độ vẫn được chia thành 4 mức, nhưng từng mức phạt cao hơn: Chạy quá tốc độ từ 5km/h đến dưới 10 km/h tăng 100.000 đồng; quá từ 10km/h đến 20km/h tăng 200.000 đồng; quá trên 20km/h đến 35km/h tăng 500.000 đồng; quá trên 35km/h tăng 1 triệu đồng.
 
Đối với mô tô chạy quá tốc độ từ 10km/h đến 20km/h mức phạt tăng 50.000 đồng; trên 20 km/h bị phạt tăng 150.000 đồng. Ngoài ra, các hành vi vi phạm các quy tắc giao thông như: không đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi bên phải, không chấp hành tín hiệu đèn, đi vào đường cấm, đi ngược chiều; không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên đều có mức phạt tăng 2 lần so với quy định hiện hành.
 
Về xử phạt người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định được chia làm 3 mức; người điều khiển mô tô là 2 mức thay cho quy định hiện hành là một mức chung. Theo đó chỉ cần người điều khiển ô tô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (mức 1) đã bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng; máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Nồng độ cồn vượt quá 50mg – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg – 0.4mg/1 lít khí thở (mức 2) đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng đều có thể bị phạt đến 3 triệu đồng. Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4 mg/1 lít khí thở (mức 3), ô tô có thể bị phạt đến 6 triệu đồng; máy kéo, xe máy chuyên dùng có thể bị phạt đến 5 triệu đồng. Đối với người điều khiển mô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức 2 có thể bị phạt đến 400.000 đồng và mức 3 đến 1 triệu đồng.
Hội thi sân khấu không chuyên về đề tài trật tự an toàn giao thông là một trong những biện pháp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ có hiệu quả.
Hội thi Sân khấu không chuyên về đề tài trật tự an toàn giao thông là một trong những biện pháp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ có hiệu quả.

Chế tài xử phạt các hành vi không đi bên phải, không đi đúng phần đường hoặc làn đường quy định, không chấp hành tín hiệu đèn, dừng, đỗ sai quy định của các loại máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt cao hơn từ 1,5 – 6 lần so với quy định hiện hành.
 
Người điều khiển xe thô sơ, người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông cũng được quy định mức phạt cao hơn. Người đi bộ có thể bị phạt đến 120.000 đồng khi đi vào đường cao tốc. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm cũng bị phạt 150.000 đồng như người ngồi trên mô tô, xe máy.
 
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm khác cũng bị xử phạt rất nặng như: họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoài đô thị bị phạt từ 300.000 đồng – 500.000 đồng; đổ rác, xả nước thải ra đường phố bị phạt từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng (cao gấp 20 gần lần so với quy định hiện hành). Bổ sung xử phạt hành vi xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường phố với mức phạt từ 2 triệu đồng – 5 triệu đồng. Những hành vi gây nguy hiểm trực tiếp cho người tham gia giao thông như: ném đinh, rải đinh, đổ dầu nhờn hoặc chất gây trơn khác trên đường bộ có thể bị phạt đến 7 triệu đồng.
 
Đáng chú ý có 3 nhóm hành vi: đổ, để trái phép vật liệu hoặc chất phế thải trên đất của đường bộ bị phạt mức trung bình là 7,5 triệu đồng; xây dựng nhà ở riêng lẻ trái phép trong phần đất dành cho đường bộ, ở ngoài đô thị có thể bị phạt đến 3 triệu đồng, trong đô thị có thể bị phạt đến 15 triệu đồng; chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, buôn bán vật liệu xây dựng, làm nơi trông giữ xe, sửa chữa hoặc rửa xe... gây cản trở giao thông có thể bị phạt đến 30 triệu đồng (cao gấp 6 lần quy định hiện hành). Nghị định 34 bổ sung xử phạt hành vi không bố trí đủ biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn, không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đoạn đường thi công để xảy ra tai nạn với mức phạt từ 20 triệu đồng – 30 triệu đồng.
 
Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô quá niên hạn sử dụng; ô tô và mô tô tự sản xuất, lắp ráp, ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước Giấy phép lái xe 60 ngày, tịch thu phương tiện. Hành vi người điều khiển ô tô, máy kéo vi phạm quy định về môi trường như: chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi, vãi mà không có mui, bạt che đậy, hoặc có nhưng vẫn để rơi vãi bị phạt từ 1 triệu đồng – 3 triệu đồng; đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng quy định có thể bị phạt đến 15 triệu đồng (gấp 5 lần quy định hiện hành).
 
Xe chở người, xe khách chở dư người trước đây quy định bị phạt 200.000 đồng/mỗi người, nay nâng lên 250.000 đồng/mỗi người. Nếu các loại xe này chạy cự ly trên 300 km thì bị phạt 400.000 đồng/một người chở dư. Lái xe và phụ xe có hành vi hành hung hành khách đều bị phạt từ 3 triệu đồng – 5 triệu đồng.
 
Hành vi đua xe còn chống lại người thi hành công vụ, tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe không thời hạn và bị tịch thu xe. Phạt từ 2 triệu đồng – 4 triệu đồng (tăng 2 lần) đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ. Bổ sung xử phạt hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng.
 
Nghị định 34 chỉ quy định tạm giữ phương tiện đến 10 ngày, thay vì giữ 30 – 90 ngày như quy định hiện hành. Có 6 nhóm hành vi vi phạm bị tạm giữ phương tiện gồm: điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá quy định; sử dụng chất ma túy; trẻ em từ 14 – 16 tuổi điều khiển mô tô, xe máy, ô tô, máy kéo; trẻ em dưới 16 tuổi điều khiển xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc khi điều khiển có đội mũ bảo hiểm nhưng chở người ngồi sau không đội; người điều khiển không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy pháp lái xe đã hết hạn sử dụng; điều khiển xe không có giấy đăng ký, không gắn biển số; không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với ô tô, máy kéo).
 
Theo Nghị định 34/NĐ-CP, kể từ ngày 20 - 5, người điều khiển mô tô, xe máy đều bị phạt 150 nghìn đồng khi chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm và khi chở theo 2 người trên xe mà trong đó có một trẻ em quá 14 tuổi.
Nguyễn Văn Đức
(Phó Trưởng phòng CSGT CA tỉnh)

Ý kiến bạn đọc