Multimedia Đọc Báo in

Công trình nước sạch gần 6 tỷ đồng không phát huy hiệu quả

09:52, 29/10/2010

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Krông Năng đã đầu tư xây dựng các công trình nước sạch phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện. Phú Lộc là một trong những xã được hưởng lợi từ công tác này. Thế nhưng từ khi công trình nước sạch với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng được đưa vào sử dụng đến nay, công trình này đã không phát huy được hiệu quả.

Đã từ lâu, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Phú Lộc, huyện Krông Năng luôn mong có nguồn nước sạch để sử dụng ổn định, điều đó đã thành hiện thực khi năm 2009, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước gần 5,7 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Công trình gồm các hạng mục: 4 giếng khoan, 3 máy bơm nước, 3 bể chứa mỗi bể có dung tích 35 m3 và hệ thống ống dẫn nước từ giếng khoan lên các bể chứa. Sau khi công trình hoàn thiện người dân nơi đây rất phấn khởi, nhưng khi đưa vào hoạt động, công trình đã lộ rõ những hạn chế như: hệ thống cấp nước chưa được đầu tư đồng bộ; không có hệ thống lọc nước và khử trùng; hằng ngày, nước được bơm thẳng từ giếng lên bồn chứa rồi xả ra đường ống dẫn cho người dân dùng trực tiếp mà chưa qua khâu xử lý nào.

Đường vào Trạm bơm số 1 cỏ dại mọc um tùm.
Đường vào Trạm bơm số 1 cỏ dại mọc um tùm.
Chị Mai Thị Huệ (thôn Lộc Tân) cho biết: “Gia đình tôi đã đầu tư hơn 1,2 triệu đồng tiền lắp đặt đấu nối hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng nhiều hôm xả nước thấy màu đục vàng và cặn bẩn nên chẳng dám dùng”. Vì vậy, trong quá trình sử dụng thấy chất lượng nước không đảm bảo nên nhiều hộ đã không còn “mặn mà” với nước sạch từ công trình này nữa mà quay lại dùng nước giếng. Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc người dân trên địa bàn xã Phú Lộc chưa thật thiết tha với việc dùng nước sạch từ trạm cấp nước do thói quen dùng nước giếng khoan, chi phí để lắp đặt đường ống dẫn nước từ trục chính về gia đình và đồng hồ đo nước khá tốn kém, trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Theo thiết kế, công trình cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 700 hộ dân và một số trường học trên địa bàn xã, nhưng cho đến nay toàn xã Phú Lộc chỉ có hơn 100 hộ đăng ký sử dụng nước sạch. Anh Võ Văn Nông ở thôn Lộc Tân, một trong những gia đình trước đây sử dụng nước sạch nhiều nhất trong các hộ dân cho hay: “Khi nước còn trong, chúng tôi thường sử dụng để nấu ăn, tắm giặt, từ khi thấy nước bị cặn bẩn, đục vàng thì thỉnh thoảng mới dùng để lau nhà, rửa xe”. Trước tình trạng nói trên, Ban quản lý nước sạch của xã Phú Lộc đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu nước tại các giếng báo cáo kết quả với các cơ quan chức năng. Ông Mai Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết thêm: “Hiện nay, trong 3 trạm bơm, chúng tôi đã cho tạm ngưng hoạt động 2 trạm bơm số 1 và 3 vì chất lượng nước không thể sử dụng”.

Thiết nghĩ, để Chương trình nước sạch nông thôn thực sự có hiệu quả, thì các cấp các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm khắc phục tình trạng nói trên. Có như vậy, công trình nước sạch mới phát huy được hiệu quả, tránh lãng phí và để người dân an tâm hưởng lợi từ công tác này.

 

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.