Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em”- để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất

10:06, 09/11/2010
Xây dựng một môi trường xã hội phù hợp với trẻ em, môi trường sống an toàn, thân thiện để ở đó tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, được  hưởng các quyền cơ bản của mình, có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Xây dựng “xã, phường phù hợp với trẻ em” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg) là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.
 
Phấn đấu 50% xã, phường đạt chuẩn
Đó là mục tiêu tổng quát trong Quyết định Ban hành Kế hoạch số  2008 ngày 10-8-2010 của UBND tỉnh, nhằm thực hiện Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về việc Triển khai thực hiện xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, giai đoạn 2010-2015. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2015 có trên 70% xã, phường trong tỉnh được công nhận xã, phường phù hợp trẻ em, trong đó có 50% xã, phường được công nhận xã, phường phù hợp trẻ em 3 năm liền trở lên. Đối với các huyện, thị xã, có nhiều xã biên giới, xã vùng 3 phấn đấu đến cuối năm 2015 ít nhất có 40% số xã, thị trấn được công nhận xã phường phù hợp trẻ em.  Quy định xã, phường phù hợp với trẻ em được xây dựng trên cơ sở của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em phải được bình xét trên cơ sở dân chủ, công bằng, công khai theo những tiêu chuẩn và điều kiện quy định. Tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em bao gồm 25 chỉ tiêu, về các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hạn chế trẻ em lang thang, cơ nhỡ, lao động sớm, bị xâm hại tình dục, bị thương tích, tai nạn; tăng tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh, được chăm sóc về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí…
Tạo môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn để trẻ phát triển tốt
Tạo môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn để trẻ phát triển tốt
Theo kế hoạch, chính quyền các cấp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện công tác đến các ban, ngành, đoàn thể, các ấp, khu phố; tập trung chỉ đạo thực hiện những chỉ tiêu khó đạt. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhận thức của cộng đồng xã hội. Kinh phí thực hiện công tác được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước; ngoài ra, các địa phương cần tập trung huy động sự hỗ trợ từ nhiều nguồn  khác nhau, như nguồn ngân sách hoạt động của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, nguồn vận động từ Quỹ Bảo trợ trẻ em…Đặc biệt sẽ xem mục tiêu xã, phường được công nhận là xã phường phù hợp với trẻ em là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của địa phương.
 
Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội
Trong nhiều năm qua, Chương trình hành động vì trẻ em ở tỉnh ta đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều mục tiêu cơ bản. Từ năm 2002, dựa trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Việt Nam, UBND tỉnh đã đánh giá và lập kế hoạch xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Đến nay đã triển khai tại 100% huyện, thị xã, thành phố, triển khai đến 50% xã phường. Tính đến cuối năm 2009, đã có khoảng 40 xã, phường đạt chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (chiếm tỷ lệ 21,6% số đơn vị cấp xã, phường trong tỉnh); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã giảm còn 25,5%, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ trên 98% mỗi năm, các hoạt động tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em được tăng cường, từ đó đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi.
 
Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, Trưởng Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em huyện khá tâm đắc với Chương trình này: “Thực ra huyện đã thực hiện công tác xây dựng môi trường sống phù hợp với trẻ em gần chục năm nay, và cũng đã có 2 xã là Quảng Tiến và Ea Kpal đạt chuẩn. Nhưng nhìn chung chủ yếu mới quan tâm đến phòng chống thương tích trẻ em và các chính sách học đường, nghĩa là chỉ  ngành y tế và giáo dục vào cuộc, còn các ban ngành, đoàn thể khác gần như vẫn đứng ngoài. Chính vì vậy, để xây dựng được 2/3 trong số 17 xã của huyện đạt chuẩn xã phù hợp với trẻ em vào cuối năm 2015 như kế hoạch của huyện đề ra thì ngay bây giờ huyện đã lập Ban chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể đến từng cơ quan, đoàn thể, quán triệt tới tận thôn, buôn  và đưa vào một trong những chỉ tiêu để đánh giá thi đua của xã”.
 
Bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH) cho biết, để thực hiện tốt Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ cụ thể hóa bằng những chương trình hành động thiết thực phù hợp với thực tế ở địa phương. Theo đó là xây dựng cộng đồng xã, phường mà mọi trẻ em có sự khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống, nhận được sự giáo dục cơ bản có chất lượng, được chăm sóc về sức khỏe, vui chơi giải trí, được phát triển tinh thần, tình cảm, tâm lý, đạo đức; và với người chưa thành niên thì có cơ hội phát triển khả năng cá nhân trong môi trường thuận lợi và an toàn. Trong tình hình hiện nay các hoạt động về Chương trình Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cộng đồng gần như bỏ trắng nên tình trạng trẻ em bị xâm hại có chiều hướng ngày càng gia tăng, nhất là tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục, gây thiệt thòi cho bản thân trẻ và khó khăn cho việc đạt mục tiêu chung của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và Chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh. Chính vì vậy để tiến tới xây dựng “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, đầu tiên sẽ  xây dựng mới và đẩy mạnh các hoạt động mô hình “Thôn, buôn, khu phố 4 không”. Mô hình “4 không” bao gồm: Không có trẻ em thất học; Không có trẻ em suy dinh dưỡng; Không có trẻ em vi phạm pháp luật; Không có trẻ em lang thang. Hiện, tỉnh ta đang xây dựng mô hình thí điểm, mỗi huyện, thị, thành phố chọn ra 2 xã, phường. Như vậy, cả tỉnh sẽ có 30 xã phường được thực hiện thí điểm xây dựng môi trường phù hợp với trẻ em. Tại các xã phường này, lãnh đạo xã, cán bộ văn hóa- xã hội của xã  đã được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng cơ bản để thực hiện đúng quy trình  chăm sóc và giáo dục trẻ em với 4 tiêu chuẩn và 28 chỉ tiêu. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mô hình thí điểm, cần có sự phối hợp, ủng hộ của các cấp chính quyền và nhiều ngành liên quan như Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Thể thao…
Minh Quân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.