Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ voi nhà có thể mất hẳn

10:56, 09/07/2011

Những năm gần đây, cùng với sự sụt giảm về số lượng đàn voi (kể cả voi rừng và voi nhà) trong khu vực Tây Nguyên, thì riêng tỉnh Dak Lak, voi nhà cũng đang bị vắt kiệt sức để lao động, phục vụ việc kinh doanh của con người, chưa kể, môi trường sống không bảo đảm an toàn, dẫn đến nguy cơ voi nhà ở các địa phương trong tỉnh có thể sẽ mất hẳn trong vài năm tới là khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Dak Lak, những năm gần đây, đàn voi đã qua thuần dưỡng trên địa bàn Dak Lak đang giảm mạnh: Năm 1980 có 502 con, năm 1990 còn lại 298 con, sang năm 2000 còn 96 con và đến nay, chỉ còn không quá 50 con. Trước thực trạng trên, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn voi tại khu vực Tây Nguyên (chủ yếu là ở tỉnh Dak Lak). Trong đó, giao cho các bộ, ngành chức năng của Trung ương phối hợp cùng các tỉnh có voi sinh sống, xây dựng khu bảo tồn, phát triển sinh cảnh sống lâu dài cho loài vật này. Đồng thời, nghiên cứu về quá trình sinh sản của voi đã thuần dưỡng để phát triển đàn voi nhà, ngăn chặn có hiệu quả các hành động săn bắn, buôn bán voi và các sản phẩm của voi… Riêng tỉnh Dak Lak phải nhanh chóng đề ra kế hoạch tiến tới thành lập các hợp tác xã quản lý, bảo vệ, phát triển đàn voi nhà phục vụ du lịch, lễ hội cùng với chủ trương bảo tồn, phát triển đàn voi... Ngay sau đó, nhiều hội thảo bảo tồn, phát triển voi Tây Nguyên đã diễn ra tại Dak Lak với những kiến nghị, giải pháp như nghiên cứu thụ tinh nhân tạo cho voi, không để tận dụng quá mức sức lao động của voi… Từ năm 2007 đến nay, các sở, ngành liên quan của Dak Lak đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm bảo tồn, phát triển đàn voi (cụ thể là voi nhà) ở các địa phương trong tỉnh, nhưng vẫn chưa mấy khả quan.

Thường mỗi chuyến voi phải chở từ 3-5 khách trở lên.
Thường mỗi chuyến voi phải chở từ 3-5 khách trở lên.

Ông Hà Công Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết, cùng với sự sụt giảm về số lượng đàn voi tự nhiên (mà phần lớn là do người dân xâm chiếm đất rừng canh tác, làm hủy hoại môi trường sinh sống của voi), thì những năm gần đây, nghề săn bắt voi để thuần dưỡng không còn thịnh hành nữa. Ở đàn voi nhà ít ỏi trong tỉnh thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng voi nổi giận quật chết người, phá hoại hoa màu của dân. Nhiều già làng gắn bó với voi lâu năm đều nhận định rằng, lý do dẫn đến voi phản ứng lại với con người là do sự thúc ép voi làm việc nhiều, môi trường sống quá thu hẹp và bức xúc trong mùa động dục (thường từ tháng 1-3 hằng năm).

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã đến Khu du lịch Buôn Đôn, chứng kiến một ngày những con voi quý ở đây phải làm việc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Cứ mỗi giờ khách du lịch cưỡi voi, Ban quản lý voi thu 400.000 đồng, sau mỗi tour đưa khách cật lực, phần thưởng cho voi chỉ là 1 hoặc 2 cây mía. Như vậy, một ngày một con voi có thể mang về khoản lợi nhuận từ 2 đến 4 triệu đồng cho Ban quản lý Khu du lịch Buôn Đôn. Nhìn chú voi đầu đàn đã già nua phải mang trên lưng 4 đến 5 người khách chạy liên tục từ sáng đến trưa, già làng Ama Linh (Khu du lịch Buôn Đôn) không khỏi xót xa: “Làm việc thế này đến máy móc cũng không chịu nổi chứ đừng nói là voi. Ông voi trong tín ngưỡng xa xưa giờ đã bị biến thành nô lệ mất rồi. Cứ thế này sẽ có ngày voi ở đây cũng nổi giận”. Chưa kể chỗ ăn ở, chăm sóc voi lại quá tồi tệ, hôi hám, sức khỏe của voi thì bị giảm sút nghiêm trọng do bị chặt trộm đuôi, cưa ngà… và ngay trong khu du lịch có nhiều gian hàng bán lông đuôi voi.

Trước thực trạng trên, mong rằng các cơ quan, ngành chức năng cần có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ khẩn trương đưa ra những giải pháp, hành động bảo tồn, nhân giống và phát triển đàn voi nhà một cách hiệu quả, tránh nguy cơ voi bị tuyệt chủng giữa đại ngàn này.

Lê Thanh Huyền

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.