Lời cảnh báo từ những vụ ngộ độc do ăn quả rừng lạ
Tại một số địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, một bộ phận người dân các dân tộc thiểu số có thói quen ăn thử một số loại quả rừng lạ mà không biết rằng chúng chứa chất độc. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên những vụ ngộ độc tập thể và không ít trường hợp đã mất mạng oan uổng.
Như báo Dak Lak điện tử và báo in đã đưa tin: chiều 26-7, tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Drak, trong lúc đi chăn bò trong rừng, một nhóm 4-5 trẻ em đã phát hiện một loại quả rừng có hình dạng và màu sắc giống quả nho nên hái ăn thử thấy có mùi thơm, ngọt. Sau đó, các em này hái mang về chia cho 35 người khác trong thôn cùng ăn (2 người lớn, còn lại là trẻ em từ 2- 15 tuổi). Sau 4-5 giờ đồng hồ, nhiều người bắt đầu có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và nôn, người mệt lả, khó thở, đau đầu, chóng mặt, trường hợp bị nặng thì co giật… Những người này được khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Drak, nhưng 2 em là Giàng A Sánh (11 tuổi) và Giàng A Sàng (6 tuổi) bị tử vong; 18 em khác phải nhập viện cấp cứu, số còn lại bị nhẹ hơn nên được cho về nhà điều trị. Điều đáng nói, trong số những người bị ngộ độc đó, có một gia đình đến 5 trẻ và một gia đình 4 trẻ bị ngộ độc. Hai trẻ tử vong đều rơi vào hai gia đình này.
Trẻ bị ngộ độc quả rừng được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa M’Drak. |
Theo kết quả xét nghiệm mẫu quả rừng gây ngộ độc nói trên (của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM) chính là quả Tho bọ, thuộc họ Passifloraceae, tên Latinh Passiflora octandra Gagnep (Passiflora siamica Craib). Đây là loài cây dây leo thân mềm phân bố ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều ở những vùng rừng thường xanh, quả to bằng quả nho hoặc nhãn, vỏ ngoài có màu xanh, khi chín màu tím và có chứa chất độc cyanur hàm lượng 450-500mg/kg cực độc, ruột bên trong giống ruột quả chanh dây, có vị ngọt khiến nhiều trẻ em ở đây lầm tưởng quả này ăn được.
Bác sĩ Trần Thị Mai, Chi cục phó Chi cục VSATTP Dak Lak cho biết: 35 người bị ngộ độc trái cây rừng nói trên đều là người Mông. Do đặc điểm đồng bào Mông chỉ quen làm lúa, bắp và rất ít trồng cây ăn trái quanh nhà nên thiếu kinh nghiệm nhận biết cây trái độc, hơn nữa, các hộ dân sống sâu trong rừng thường bỏ mặc con em mình đi chơi tự do trong rừng, khi bắt gặp quả rừng lạ các em hái ăn thử dẫn đến ngộ độc là điều khó tránh khỏi.
Một vụ ngộ độc khác liên quan đến rễ cây rừng, đó là vào tháng 11-2009, tại buôn G’lăng, xã Krông Jing cũng thuộc huyện M’Drak đã xảy ra một vụ ngộ độc với 6 người, trong đó một người tử vong. Trước đó, chị H’Nghin (SN 1972) dân tộc Ê Đê được một người quen ở xã Ea Trang cho một loại rễ cây bảo đem về ngâm rượu hoặc nấu nước uống cho… “khỏe”. Sau khi ngâm rượu, chị này đã gọi một số chị em họ hàng qua cùng uống, chỉ 15 phút sau khi uống thì những người này bắt đầu có triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, tê lưỡi, mắt mờ, khó thở, tím tái, vật vã, và chị H’Nghin đã bị tử vong ngay sau đó. Dù được lấy mẫu đi kiểm nghiệm, nhưng cơ quan chuyên môn vẫn không xác định được đó là rễ cây rừng gì, chất độc gì nên đã kết luận đó là một loại độc tố tự nhiên gây ngộ độc về thần kinh.
Quả cây Tho bọ, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc khiến 2 trẻ tử vong tại thôn 7, xã Cư K’róa, M’Drak. |
Đó chỉ là 2 trong số những vụ ngộ độc do ăn, uống phải quả, rễ cây rừng lạ có chứa chất độc mà Chi cục VSATTP dẫn chứng, cho thấy sự nguy hiểm khôn lường khi ăn uống phải, và cái giá phải trả thường rất đắt. Bác sỹ Trần Thị Mai cho hay, những vụ ngộ độc “rừng” thường xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa, nằm gần rừng, người mắc phải thường hay bị tử vong do người nhà không biết cách sơ, cấp cứu, cộng với đường sá đi lại khó khăn, việc đưa nạn nhân đi cấp cứu thường bị chậm nên nạn nhân dễ tử vong.
Dak Lak với đặc thù đất rộng, còn nhiều vùng rừng núi hoang vu, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do vào ở sâu trong rừng, nên tiềm ẩn nguy cơ trong số họ ăn nhầm quả, cây rừng độc dẫn đến tử vong vẫn còn có thể xảy ra. Cứ sau mỗi vụ ngộ độc, Chi cục VSATTP thường về địa phương tìm hiểu nguyên nhân, lấy mẫu xét nghiệm, kết hợp tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên ăn, uống những quả, cây rừng lạ. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ mà các địa phương có người dân sống gần rừng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo người dân không nên ăn, uống cây, quả rừng lạ, chưa rõ nguồn gốc, đặc biệt, người lớn nên quan tâm đến trẻ nhỏ nhiều hơn, có như thế mới không để xảy ra những vụ ngộ độc, những cái chết đau lòng.
Theo thống kê của Chi cục VSATTP tỉnh, trung bình mỗi năm trên toàn Dak Lak xảy ra từ 1-2 vụ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể: năm 2009 xảy ra 5 vụ (trong đó, 1 vụ do ngộ độc uống rượu ngâm rễ cây rừng), 91 người mắc, 1 người tử vong; năm 2010 có 2 vụ, 9 người mắc và năm 2011, đến thời điểm hiện nay xảy ra 2 vụ, 25 người mắc, 2 người tử vong (do ngộ độc trái rừng)… |
Ý kiến bạn đọc