Multimedia Đọc Báo in

Những kẻ đánh cắp thương hiệu

10:05, 29/08/2011

Xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh đẹp, uy tín trong lòng người tiêu dùng là chặng đường nỗ lực gian nan, vất vả của doanh nghiệp. Tuy nhiên không ít thương hiệu, nhãn hàng đã bị đánh cắp một cách trắng trợn. Vì vẫn còn một lỗ hổng quá lớn trong bảo vệ bản quyền, thương hiệu các sản phẩm…

Câu chuyện của Nón Sơn
Từ khi Chính phủ ra quyết định về việc thực hiện đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều khiển xe gắn máy cũng là lúc bắt đầu một xu hướng thời trang mới trên đường phố - thời trang MBH. Rất nhiều loại MBH với kiểu dáng trẻ trung, năng động và cá tính đã ra đời, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng, kể cả lớp trẻ, những người từng coi MBH là chiếc “nồi cơm điện” di động.  Dù giá có cao hơn một số nhãn hàng khác nhưng trong rất nhiều chủng loại MBH, gần đây Nón Sơn là thương hiệu khá được ưa chuộng bởi chất lượng bảo đảm, thiết kế hiện đại, trẻ trung và khỏe khoắn lại có nhiều gam màu (hồng, da cam, xanh, đỏ, vàng, kem…) để “thượng đế” lựa chọn theo sở thích.

Cũng bởi là “mốt”, đang “hot” nên hiện trên thị trường, thương hiệu MBH Nón Sơn đang bị đánh cắp dưới nhiều hình thức. Đầu tiên phải kể đến nỗi buồn bị lợi dụng thương hiệu để làm giả, làm nhái tràn lan. Đó là sự xuất hiện ngang nhiên của những cái tên “Nón Son”, “Nón Sơn II” với kiểu dáng, mẫu mã y hệt Nón Sơn, nhưng chất lượng thì không được cơ quan nào kiểm định, đặc biệt là giá chỉ rẻ bằng 1/3 hoặc cao hơn cũng chưa bằng một nửa của Nón Sơn chính hãng. Cầm trên tay hai chiếc MBH Nón Sơn thật và Nón Son nhái, chủ một đại lý MBH trên đường Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Giá hiện tại của MBH Nón Sơn là 280.000 đồng/chiếc, trong khi đó giá của chiếc MBH Nón Son (loại hàng nhái) chỉ có 120.000 đồng/chiếc. So về hình thức bên ngoài thì chúng chẳng khác nhau là mấy, song nếu nhìn kỹ, hàng chính hãng nặng hơn và có cấu tạo bên trong gồm một lớp mềm xốp có tính đàn hồi để giảm lực đập khi va chạm và lớp vải lót phía ngoài để người đội dễ dàng vệ sinh mũ khi bị bẩn; còn mũ nhái chỉ có lớp nhựa bên ngoài và bên trong một miếng xốp cứng, chỉ cần va chạm nhẹ là miếng xốp sẽ rơi ngay”.

“Bán Nón Sơn chính hãng lãi chẳng được là bao (không quá 10.000 đồng/chiếc) nhưng trưng bày không cẩn thận là mất như chơi”, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh MHB chia sẻ. Chúng tôi cũng đã được chứng kiến cảnh giữa thanh thiên bạch nhật, mấy thanh niên choai choai giả làm khách hàng rồi “chộp” ngay lấy hai chiếc Nón Sơn trước mắt chủ quán. Từ đó, cùng với nhiều nhãn hàng MBH được bày bán, riêng những chiếc Nón Sơn được ưu tiên nằm trong tủ kính để phòng kẻ gian, khi có khách mới đưa ra. Câu chuyện của một thiếu nữ đang trong quá trình lưu thông trên đường bị cướp Nón Sơn dẫn đến xây xước mặt mày cũng khiến nhiều người giật mình lo sợ. Cũng bởi tính chất manh động, bất chấp để cướp giật được Nón Sơn nên có một thực tế là hiện nhiều điểm giữ xe  không giữ loại mũ này. Một “thượng đế” than vãn về sự phiền toái khi mỗi lần đi uống cà phê phải khư khư giữ chiếc Nón Sơn vì nhân viên giữ xe đề nghị không để lại trên xe, quán không nhận giữ. Câu hỏi đặt ra là số phận của những chiếc Nón Sơn sau khi bị đánh cắp sẽ đi đâu? Vì loại mũ này bán lại được giá nên những tiệm bán MBH vỉa hè chính là một trong những kênh tiêu thụ mua lại.

Bên cạnh việc bị làm giả, làm nhái, bị trộm, giật, thời gian gần đây, vì đang là “mốt” nên Nón Sơn còn được “mượn” để quảng cáo cho những sản phẩm khác. Hiện nay, một số đại lý bán bảo hiểm xe máy đã dùng chiêu khuyến mãi MBH để bán hàng. Theo quảng cáo ở các đại lý này thì “mua bảo hiểm xe máy, tặng MBH Nón Sơn”, nhưng thực chất, MBH được đại lý tặng cho khách hàng chỉ Nón Son - một loại hàng nhái Nón Sơn, giá rẻ. Rồi, bán xe máy tặng MBH, thậm chí bán nồi cơm điện cũng khuyến mãi bằng MBH. Đa số người mua thấy MBH là thứ cần thiết, lại được tặng hàng có thương hiệu đều tranh thủ mua sản phẩm để nhận quà khuyến mãi, dù nhu cầu chưa thật cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, khi mua hàng rồi nhận quà khuyến mãi khách hàng mới biết quà đều là hàng kém chất lượng, chưa qua kiểm định.

Thương hiệu Nón Sơn được "mượn" để quảng cáo bảo hiểm xe máy.
Thương hiệu Nón Sơn được "mượn" để quảng cáo bảo hiểm xe máy.
Lỗ hổng bảo vệ thương hiệu
Có quá nhiều hình thức khiến những thương hiệu đã đăng ký bị đánh cắp. Riêng với Nón Sơn, bất an với kiểu chộp giật có tính chất liều lĩnh, manh động, dù rất ưa chuộng nhãn hàng này nhưng không ít “thượng đế” đành phải gác lại sở thích để đổi lấy sự an toàn. Chị Trang (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Đội mũ “xịn” đi đâu cũng phải cầm theo rất bất tiện, còn treo ở xe thì bị mất ngay. Vì vậy, mình cứ mua mấy loại mũ thường để đội, không lo cướp giật, trộm cắp, trường hợp có mất thì cũng đỡ tiếc…”. Nếu theo suy nghĩ của vị khách hàng này thì chẳng phải rõ ràng đang có một nghịch lý, các sản phẩm có chất lượng lại tự làm hại mình!?

Trong thế giới của MBH, không riêng gì Nón Sơn mà nhiều nhãn hàng khác cũng đang loạn trong căn bệnh trầm kha hàng nhái. Dạo một vòng quanh khu vực chợ lớn, chợ đêm và một số chợ nhỏ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột mới thấy các loại MBH nhái thương hiệu, kém chất lượng được bày bán tràn lan. Các tên tuổi như Zeus, Amoro, Andes, Indes, thậm chí các loại mũ ngoại nhập từ Đài Loan, Malaysia (Apollo, Tweenty…) cũng được làm giả, làm nhái hết sức tinh xảo, thoạt nhìn rất khó mà phân biệt. Các loại mũ nhái thương hiệu nói trên được bán ra với giá rất rẻ so với hàng thật, chỉ từ 25.000 - 70.000 đồng/cái.

Rõ ràng, trong việc bảo vệ thương hiệu cũng như tôn vinh, trân trọng những mặt hàng có chất lượng cao đang tồn tại một lỗ hổng quá lớn. Sản phẩm cứ có tên tuổi, cùng với việc ăn nên làm ra đồng nghĩa với việc phải đau đầu tìm cách đối phó với hàng giả, hàng nhái theo mình. Nhiều thương hiệu đã được đăng ký bản quyền nhưng không ngoa khi rất nhiều trường hợp chỉ có ý nghĩa trên văn bản, giấy tờ. Bản quyền, độc quyền gì mà thị trường nhan nhản những cái tên na ná nhau (MBH Andez nhái theo hiệu Andes, MBH Indees nhái theo hiệu Indes…). Cứ tình trạng đánh cắp, nhái hàng tràn lan như thế này thì rồi cũng hòa cả làng, anh tốt cũng như anh xấu. Doanh nghiệp chấp hành đúng quy định đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để không phải đơn thương độc mã trên thương trường nhưng dường như sự trợ lực của các cơ quan chức năng cho việc bảo vệ thương hiệu chưa đủ mạnh. Có thanh tra, kiểm tra nhưng quan trọng là thái độ kiên quyết, nghiêm ngặt trong xử lý nếu chỉ là giơ cao đánh khẽ, lâu ngày trở thành bệnh nhờn thuốc, khó chữa. Lỗ hổng bảo vệ thương hiệu này không được hàn gắn thì liệu lòng tin có đủ vững bền để tiếp tục cho ra những sản phẩm mang thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Một trong những đáp án cho câu trả lời phụ thuộc vào chính chế tài xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn mác, sản phẩm hàng hóa đã được đăng ký  – câu chuyện bản quyền vốn từ trước đến nay còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Đàm Thuần – Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc