Vụ một doanh nghiệp thua kiện trên 18.000 tấn cà phê: Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm
Vụ kiện giữa bà Võ Thị Kim Ngọc (thôn 10 xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) và Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (gọi tắt là Công ty) đã được TAND TP. Buôn Ma Thuột xét xử sơ thẩm ngày 15-9-2011, với kết quả: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Võ Thị Kim Ngọc; buộc Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên trả cho bà Võ Thị Kim Ngọc số lượng là 18.356.476kg cà phê nhân. Vừa qua, Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột đã ra quyết định kháng nghị bản án của tòa sơ thẩm theo trình tự phúc thẩm. Trước đó, ngày 28-9-2011, Công ty cũng đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm này.
Xuất hóa đơn là đã bán hàng(?)...
Theo phân tích của Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột thì việc bà Ngọc có nhập vào Công ty 18.356.476 kg cà phê là đúng. Tuy nhiên trong số này bà Ngọc đã bán cho Công ty tổng cộng 18.200.000 kg, điều này được căn cứ từ các hóa đơn giá trị gia tăng từ số 0127472 đến số 0127482. Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột cũng viện dẫn điểm 2, mục I, phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính về thời điểm xác định thuế Giá trị gia tăng: “Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. Do đó, việc chuyển giao quyền sở hữu đối với 18.200.000 kg cà phê theo 11 hóa đơn giá trị gia tăng của bà Ngọc bán cho Công ty đã hoàn tất. Việc xác định giá tạm tính ghi trong hóa đơn phải được giải quyết theo hướng thỏa thuận của các bên. Theo nhận định của Viện Kiểm sát thì bà Ngọc đã nhận toàn bộ số thuế giá trị gia tăng do Công ty hoàn thuế trả cho bà Ngọc theo các ủy nhiệm chi (20,68 tỷ đồng) để bà Ngọc nộp thuế cho Nhà nước. Do vậy không thể nói bà Ngọc không nhất trí bán số lượng cà phê trong hóa đơn giá trị gia tăng. Còn giá tạm tính ghi trong hóa đơn là sự thỏa thuận của hai bên về giá cà phê tại thời điểm chốt giá, việc ghi giá tạm tính không có nghĩa là bà Ngọc chưa bán toàn bộ lô hàng trên cho Công ty.
Cũng theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì việc gửi giữ tài sản (cà phê) giữa bà Ngọc và Công ty không có hợp đồng gửi giữ tài sản, chỉ có các hóa đơn bán hàng (hóa đơn giá trị gia tăng) xác định việc giao nhận tài sản giữa bên thu mua và bên cung ứng. Do vậy, không thể xác định đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản” theo Điều 559 Bộ Luật Dân sự, mà phải xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” và là tranh chấp về kinh doanh thương mại. Do đó, Viện Kiểm sát kháng nghị cần phải sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Ngọc, buộc Công ty phải trả cho bà Ngọc 156.476 kg cà phê nhân xô.
Chứng cứ mua – bán: Hóa đơn hay hợp đồng?
Giải thích về việc xuất 11 hóa đơn giá trị gia tăng cho tổng cộng 18.200.000 kg cà phê như đã nói trên, bà Ngọc khẳng định: “Mỗi lần nhập cà phê vào kho gửi, phía Công ty đều yêu cầu xuất hóa đơn (theo giá tạm tính – giá ghi trên hóa đơn luôn thấp hơn giá công ty phát ra trong ngày). Hóa đơn này được công ty sử dụng để vay tiền ngân hàng, sau đó cho các nhà cung ứng vay lại để tiếp tục thu mua cà phê. Do đó hóa đơn này chỉ là tạm tính để xác định số lượng cà phê nhập gửi vào công ty chứ không thể hiểu là hóa đơn bán hàng. Bởi thực tế nếu là bán hàng thì không có lý gì tôi lại bán thấp hơn giá do công ty phát ra, về trên hóa đơn cũng không thể ghi là tạm tính được”.
Không đồng ý với quan điểm của Viện Kiểm sát, luật sư Phạm Hàn Lâm – Văn phòng Luật sư Hàn Lâm (Đoàn Luật sư Dak Lak) và cũng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ngọc trong vụ án khẳng định: Đứng trước pháp luật là phải nói đến chứng cứ. Chuyện mua bán phải được thể hiện bằng hợp đồng. Do đó, 11 hóa đơn này không thể thay thế cho hợp đồng thương mại và cũng không thể là căn cứ thể hiện việc mua – bán được. Ông Lâm cũng cho biết: Trong vụ án này có một chứng cứ vô cùng quan trọng nhưng Viện Kiểm sát không quan tâm xem xét. Cụ thể: Ngày 29-11-2010, bà Ngọc có đơn đề nghị Công ty xem xét về giá đối với lô hàng 18.356.476kg cà phê, gồm các loại: R1-18 (291.821kg), R1-16 (1.506.332kg), R2-5 (45.321 kg) và loại RXO (16.513.002 kg). Đến ngày 30-11-2010 thì đích thân ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty đã phê ngay trên đơn của bà Ngọc “đồng ý hủy chốt theo yêu cầu bà Ngọc”. Đây chính là căn cứ thể hiện việc mua bán chưa thực hiện được!
Một chứng cứ quan trọng nữa mà luật sư Lâm cho rằng Viện kiểm sát cần xem xét chính là biên bản hòa giải lần thứ nhất do TAND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức vào ngày 15-4-2011 giữa các bên đương sự trong vụ kiện.
Trong biên bản này, chính ông Nguyễn Minh Đường, Phó Tổng giám đốc Công ty thừa nhận bà Ngọc gửi vào Công ty số lượng 18.356.476 kg cà phê, gồm nhiều loại như đã nói trên. Thừa nhận này của ông Đường đồng nghĩa với việc số lượng 18.356.476 kg cà phê của bà Ngọc là gửi ở Công ty chứ chưa phải là đã bán.
Sự việc sắp tới sẽ được TAND tỉnh giải quyết theo trình tự phúc thẩm và tin chắc Tòa sẽ có sự xem xét, phân tích và lý giải khách quan, công minh thỏa đáng với các đương sự. Tuy nhiên qua vụ tranh chấp này, chúng tôi một lần nữa muốn cảnh báo về những rủi ro thường trực, dễ phát sinh tranh chấp đối với phương thức giao dịch thương mại theo kiểu ký gửi không lập hợp đồng, mua bán – chốt giá bằng… miệng, hóa đơn chỉ ghi giá tạm tính đang diễn ra phổ biến hiện nay trên địa bàn tỉnh.
°Tại Biên bản về việc yêu cầu cung cấp thông tin do Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột tiến hành xác minh tại Công ty (ngày 11-11-2010) để phục vụ việc xử lý nợ thuế đối với bà Ngọc, phía đại diện Công ty (trong biên bản làm việc gồm có các ông: Nguyễn Viết Nhu, Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Văn Sáng, trưởng Phòng kinh doanh và Bùi Hùng Mạnh, cán bộ Phòng Kinh doanh) đã cho biết bà Ngọc có số lượng cà phê 18.356.476kg do bên thứ ba (tức Công ty) đang giữ (căn cứ theo bảng chốt giá ngày 9-11-2010). Tuy nhiên, đến ngày 28-2-2011, trong cuộc làm việc với đại diện Cục Thuế Dak Lak, lãnh đạo Công ty lại cho rằng: “Bảng chốt giá ngày 9-11-2010 là không có giá trị pháp lý, do cán bộ Công ty không hiểu rõ nghiệp vụ, cung cấp số liệu không chính xác…”(!?) °Theo Luật sư Tạ Quang Tòng – Đoàn Luật sư Dak Lak nhận định thì quan hệ pháp luật trong vụ kiện này phải được nhìn nhận là tranh chấp thương mại. Luật sư Tòng phân tích: Ở đây không rõ là giữa Công ty và bà Ngọc có hợp đồng nào về việc cung ứng cà phê hay không. Nhưng rõ ràng là bà Ngọc có ứng tiền của Công ty để đi mua cà phê về nhập vào Công ty thì dễ hiểu rằng nhập vào là để bán. Trong khi đó, theo quy định của ngành Thuế thì một khi đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng chính là đã bán hàng. Theo nhận định của tôi thì vấn đề cơ bản nhất ở đây chính là quan hệ mua bán giữa Công ty và bà Ngọc vẫn chưa thống nhất được giá nên nảy sinh tranh chấp. |
Ý kiến bạn đọc