Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào để khôi phục hàng loạt công trình cấp nước tập trung bị bỏ hoang?

14:07, 08/06/2012

Trong cuộc tổng khảo sát, điều tra về thực trạng các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) trên địa bàn tỉnh do các cơ quan chuyên môn mới thực hiện, kết quả khiến nhiều người có trách nhiệm phải giật mình: chỉ một ít trong số đó hoạt động tốt hoặc ở mức trung bình, còn lại 60% CTCNTT đang bị bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Tiền tỷ bỏ hoang

Theo khảo sát điều tra một cách toàn diện về các CTCNTT có quy mô vừa và lớn trên địa bàn, do Liên hiệp các Hội khoa học của tỉnh thực hiện, thì: trong số 82 công trình, chỉ có 16 công trình tốt, 17 công trình trung bình; 49 công trình còn lại đều trong tình trạng bị bỏ hoang, hoạt động yếu kém, hoặc chưa hoạt động, dù đã quá thời hạn thi công theo cam kết (chiếm 60%).

Vào mùa khô, người dân một số thôn ở xã Cư Kty (Krông Bông) phải ra sông Krông Ana lấy nước về dùng.
Vào mùa khô, người dân một số thôn ở xã Cư Kty (Krông Bông) phải ra sông Krông Ana lấy nước về dùng.

Có thể kể tên hàng loạt CTCNTT đang bị bỏ hoang như: Buôn Tul (huyện Buôn Đôn), Cư Kbang (Ea Súp), Dray Linh (TP. Buôn Ma Thuột)… Đặc biệt, cụm 5 CTCNTT mới được xây dựng từ năm 2008 đến nay, với vốn đầu tư từ năm tỷ đến hàng chục tỷ đồng đang trong tình trạng không hoạt động, bị bỏ hoang, gồm: Ea Tul (huyện Cư M’gar), Ea Rốk (huyện Ea Súp), Ea M’Hlay (huyện M’Drak), Ea Tóh (huyện Krông Năng), Cư Kty (huyện Krông Bông). Những CTCNTT “hữu danh vô thực” này không chỉ gây lãng phí lớn về tiền bạc, mà còn làm giảm ý nghĩa về mục đích an sinh - xã hội, giảm niềm tin của người dân. Hư hỏng, xuống cấp, nước không chảy, bị bỏ hoang… trở nên quá phổ biến đối với các CTCNTT trên địa bàn tỉnh do chính quyền cấp xã và các tổ chức, đoàn thể ở xã quản lý, vận hành, mà nguyên nhân gây nên tình trạng này là do chất lượng thiết kế thi công, ý thức của người sử dụng kém…

           Công trình  cấp nước tập trung ở xã Dur Kmal (Krông Ana)  hoạt động không hiệu quả.
Công trình cấp nước tập trung ở xã Dur Kmal (Krông Ana) hoạt động không hiệu quả.

Kết quả của cuộc điều tra chỉ ra rằng: các công trình bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả là do lâu nay hầu như không có ai quản lý, vận hành. Các CTCNTT giao cho chính quyền xã thường do một phó chủ tịch xã phụ trách kiêm nhiệm nhưng vị phó chủ tịch này lại giao công trình cho một số công tác viên rồi phó mặc. Kết quả của việc “làm chủ tập thể” một cách hình thức này thật đáng buồn: trong số 35 công trình giao chính quyền xã quản lý, vận hành có tới 31 công trình không hoạt động hoặc hoạt động cực kỳ yếu kém, chỉ có 4 công trình xếp loại trung bình, không có công trình nào được xếp loại tốt. Còn đối với 32 công trình do các HTX, hội dùng nước quản lý, có đến 18 công trình bị bỏ hoang hoặc hoạt động rất yếu kém, số còn lại đang hoạt động cầm chừng. Một số CTCNTT do cấp xã và dưới xã quản lý, dù theo báo cáo là vẫn đang có nước, nhưng do nước đầu nguồn ô nhiễm, các bể lắng, thiết bị lọc… lâu ngày không được làm vệ sinh, xả thải, xả cặn, xả khí độc… nên chất lượng nước cũng rất tồi tệ; và sẽ là quá “xa xỉ” nếu gọi nước của các công trình này là nước sạch.

Đi tìm giải pháp

Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, phụ trách nhóm điều tra khảo sát cho biết: một kết quả rất bất ngờ khi thực hiện khảo sát tại 15 CTCNTT do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (TTNSH&VSMTNT) tỉnh Dak Lak quản lý, có tới 14 công trình xếp loại tốt, chỉ 1 công trình xếp loại trung bình. Điều này cho thấy, “căn bệnh” của các CTCNTT bị bỏ hoang hoặc hoạt động yếu kém không phải là không có “thuốc chữa”.

CTCNTT ở xã   Ya T’mốt (Ea Súp) bị  bỏ hoang.
CTCNTT ở xã Ya T’mốt (Ea Súp) bị bỏ hoang.

Theo ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc TTNSH&VSMTNT tỉnh, chẳng phải trung tâm có bí quyết gì ghê gớm trong công tác quản lý, vận hành các CTCNTT, mà đó chỉ là kết quả của một việc làm theo đúng bài bản, quy định: Trung tâm cũng hợp đồng với người tại địa phương để quản lý, vận hành công trình. Sau khi ký hợp đồng, những người này được Trung tâm đào tạo chuyên môn, sau đó cứ 2 năm sẽ được thi nâng ngạch một lần theo tiêu chuẩn của công nhân kỹ thuật. Các quyền lợi khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... được bảo đảm nên họ yên tâm làm việc và làm việc có trách nhiệm. Các hư hỏng, sự cố (nếu có) cũng được Trung tâm khắc phục kịp thời. Sắp tới, Trung tâm sẽ có bộ phận chuyên trách xét nghiệm để bảo đảm về chất lượng nước cho các công trình. Nếu quyền lợi người dùng nước được bảo đảm, họ tin tưởng về chất lượng nước thì sẽ sử dụng lâu dài.

Từ kết quả điều tra khảo sát, nhóm các nhà khoa học đã có đề xuất khắc phục đối với các công trình bị bỏ hoang, hoặc hoạt động kém hiệu quả. Đó là: cần xác định các đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành (ở đây là TTNSH&VSMTNT tỉnh Dak Lak) để chuyển giao, sau đó tiến hành sửa chữa, khắc phục đưa vào sử dụng lại các CTCNTT ở những vùng mà người dân có nhu cầu sử dụng cao. Đối với các công trình ở những vùng mà người dân không mặn mà với việc sử dụng nước từ CTCNTT thì kiên quyết cho gỡ bỏ. Theo dự kiến, cần khoảng 2 năm để khắc phục hư hỏng và đưa các công trình vốn bị bỏ hoang vào hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần hạn chế việc đầu tư mới để tập trung kinh phí cho sửa chữa các công trình cũ bị hư hỏng.

 Với những giải pháp này, nếu được áp dụng thì kiểu “làm chủ tập thể” hình thức trong quản lý, vận hành các CTCNTT sẽ được xóa bỏ. Khi đó, hàng loạt CTCNTT ở Dak Lak mới có hy vọng hoạt động trở lại.

V.Dũng – V.Lệ


Ý kiến bạn đọc