Mua cao, bán thấp để... chiếm đoạt thuế
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều doanh nghiệp (DN) từ tỉnh khác đến mua cà phê với giá cao hơn thị trường và sau đó đem bán lại cho các DN xuất khẩu cà phê của tỉnh với giá thị trường. Nghịch lý “mua cao - bán thấp” của các DN này đã gây khó khăn cho các DN xuất khẩu cà phê của tỉnh, làm xáo trộn thị trường và thất thu thuế Nhà nước.
Trốn thuế tinh vi
Các DN này luôn mua với giá cao hơn thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg, sau đó đưa xuống TP. Hồ Chí Minh bán thấp hơn giá mua từng đó tiền. Những DN mua bán kiểu này thường hoạt động một thời gian ngắn rồi giải thể, bỏ trốn. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Dak Lak, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 công ty được thành lập mới, do người ngoài tỉnh đến đăng ký kinh doanh và cũng có kiểu kinh doanh như trên. Riêng tại thị xã Buôn Hồ có 14 công ty hoạt động theo hình thức này, đã thu mua được 136.000 tấn, trong khi tổng sản lượng cà phê của địa phương chỉ khoảng 30.000 tấn.
Công ty TNHH Ngô Quý Yên đăng ký kinh doanh tại quán cơm số 541 đường Hùng Vương (TX. Buôn Hồ) nhưng chủ quán cho biết họ chưa bao giờ có mặt ở đây. |
Trên khoảng 1 km của đường Hùng Vương (thị xã Buôn Hồ), có tới 4 công ty đăng ký địa chỉ nhưng người dân đều cho biết chưa có một công ty nào đến thuê đặt trụ sở. Công ty TNHH Ngô Quý Yên (do ông Ngô Quý Yên, ở tỉnh Thanh Hóa làm giám đốc) lấy địa chỉ số 541 đường Hùng Vương đặt trụ sở nhưng đây chỉ là một quán cơm bình dân. Bà Huỳnh Thị Mỹ (chủ quán) cho biết: “Người ta lấy địa chỉ nhà của mình để kinh doanh chuyện khác mà mình không biết. Hôm trước công an và thuế vụ có đến hỏi là số nhà 541 Hùng Vương có đăng ký bán cà phê không, mình trả lời rõ là nhà mình chỉ bán quán ăn, được mấy chục năm rồi”. Một trường hợp khác, Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu (do ông Nguyễn Hữu Hiếu, ở tỉnh Hải Dương làm giám đốc) lấy địa chỉ số 579 đường Hùng Vương làm trụ sở thì cũng chỉ là nhà dân. Từ tháng 4-2012, Công ty Nguyễn Hữu Hiếu bỗng dưng nổi tiếng ở thị xã Buôn Hồ vì luôn mua cà phê với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg, sau đó bán lại cho các DN xuất khẩu cà phê ở nhiều tỉnh khác nhau. Theo Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ, chỉ trong thời gian ngắn, công ty này đã mua cà phê tại địa phương rồi bán lại cho 5 DN khác với tổng trị giá ghi trên hóa đơn hơn 709 tỷ đồng và được hoàn thuế giá trị gia tăng gần 35,5 tỷ đồng.
Trên địa bàn TX. Buôn Hồ hiện có 8 công ty từ tỉnh khác đến kinh doanh khai man địa chỉ như thế. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng xác định được 4 công ty bỏ trốn là công ty Lê Quang Tập, Nguyễn Hữu Hiếu, Thủy Phong Phát và Ngô Quý Yên. Bốn công ty này đã thu mua cà phê trên địa bàn rồi bán lại cho 40 DN ở các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Nam, Dak Lak, Lâm Đồng, Dak Nông... với tổng giá trị lên đến 2.288 tỷ đồng và được các DN này khấu trừ thuế đầu vào hơn 114 tỷ đồng. Thủ đoạn của các DN này là thu mua cà phê cao hơn giá thị trường, sau đó lại bán ra với giá thấp cho DN xuất khẩu để lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) và kiếm lời từ hành vi chiếm đoạt khoản thuế. Ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích: Ví dụ giá cà phê trên thị trường là 40.000 đồng/kg nhưng DN chịu mua giá 41.000 đồng/kg để nhanh chóng gom được lượng hàng lớn, rồi bán lại cho DN khác với giá chỉ 40.000 đồng/kg, nhận khoản tiền hoàn thuế VAT với tỷ lệ 5% mà DN chuyển sang tương đương 2.050 đồng/kg. Thay vì đóng khoản hoàn thuế đó cho Nhà nước, họ bỏ trốn để được lãi 1.050 đồng/kg.
Khuynh đảo thị trường
Nghịch lý “mua cao - bán thấp” đã làm thị trường cà phê Dak Lak bị xáo trộn. Các DN xuất khẩu cà phê trong tỉnh phải xuống tận TP. Hồ Chí Minh để thu mua nguyên liệu. Có 10 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cho biết, đến thời điểm này họ không mua được hàng do tình trạng “mua cao - bán thấp”. Còn các DN xuất khẩu cà phê lớn của tỉnh như: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Anh Minh... cũng phải xuống TP. Hồ Chí Minh để mua lại cà phê từ những DN khác để xuất khẩu. Nếu tình trạng “mua cao - bán thấp” kéo dài sẽ nảy sinh bất ổn trong mua bán khi các DN “ma” thì mua được hàng, còn các DN lớn thì không mua được hàng và từ đó làm thất thu thuế Nhà nước”.
Trước tình trạng trên, tỉnh đã thành lập thêm 2 chốt kiểm tra liên ngành trên Quốc lộ 14 và 26 để phát hiện, ngăn chặn tình trạng xuất cà phê ra ngoài tỉnh nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Trong khi đó, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ cũng đã thông báo đến các địa phương liên quan đề nghị tạm thời không hoàn thuế, khấu trừ thuế cho những hóa đơn của những DN “ma” khai man địa chỉ và bỏ trốn khỏi địa bàn để tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, chờ cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Gian lận 2 lần thuế
Theo Luật sư Tạ Quang Tòng, Trưởng văn phòng luật sư THT, trường hợp các DN mua cao - bán thấp là gian lận 2 lần thuế. Thuế giá trị gia tăng chỉ đánh trên giá trị tăng thêm mà đối với các DN kê khai thuế theo kiểu đăng ký hóa đơn thì sẽ được khấu trừ 5%, nên khi họ mua, hay bán được khấu trừ 5% là đã rõ. Nhưng việc bán thấp họ có một cái lợi nữa là không phải nộp thuế thu nhập DN mà chỉ phải nộp thuế môn bài, mà thuế môn bài thì đối với các DN này chỉ phải nộp khoảng 3 triệu/năm. Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước, các DN mới thành lập được lỗ 2 năm không phải nộp thuế thu nhập DN. Nhưng thực chất họ không lỗ, ai lại đi mua cao – bán thấp vì cũng không ai kiểm tra hoạt động này. Thực chất họ không minh bạch ngay từ đầu thì họ làm việc này luôn để vừa không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tức là kiếm được số tiền này vừa có một loạt cái lợi trước mắt là bán hóa đơn và không nộp 5% thuế cho địa phương.
Công Hoan
Ý kiến bạn đọc