Multimedia Đọc Báo in

Lại “nóng” tình trạng chặt phá rừng thông ở Krông Buk

08:02, 16/01/2013

Liên tục nhiều năm qua, việc tàn phá rừng thông dọc Quốc lộ 14 đã trở thành "vấn nạn". Mới đây, tình trạng này lại tiếp tục “nóng” lên khi một diện tích lớn rừng thông nằm trên địa bàn ở xã Cư Né, huyện Krông Buk chỉ trong vài giờ đồng hồ đã nhanh chóng biến mất...

Hơn 2 giờ đồng hồ, gần 2 ha rừng thông bị xóa sổ

Tại Tiểu khu 356, sát Quốc lộ 14 đường lên Trạm thu phát sóng vi ba thuộc địa bàn xã Cư Né, hàng loạt cây thông bị cưa đốn, chặt hạ nằm ngổn ngang. Cây có đường kính nhỏ nhất khoảng 20 cm, lớn nhất là 80 cm. Thật trớ trêu khi công việc của lực lượng kiểm lâm bây giờ là đến "chứng kiến" những cây thông đã ngã xuống và... thu dọn hiện trường. Đây là hệ quả của sự việc vào lúc 8 giờ ngày 6-1, hơn 100 người dân các buôn Mùi 1, Mùi 2, Mùi 3 (xã Cư Né, huyện Krông Buk) đã tập trung tại Tiểu khu 356, dùng dao phát, cưa xăng cắt hạ cây thông trái phép. Trước đó vào ngày 2-1, người dân các buôn này cũng đã tập trung tại Tiểu khu 356 để thực hiện hành vi trên. Anh Phan Như Ngọc, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Krông Buk cho hay: Ngay khi mới phát hiện, với trách nhiệm kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Cư Né anh đã báo với lãnh đạo của Hạt. Nhưng do số lượng người dân tham gia chặt phá quá đông nên không thể ngăn chặn ngay sự việc. Và kết quả là chỉ sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ của ngày 6-1, gần 2 ha rừng thông đã bị xóa sổ.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Krông Buk khám nghiệm hiện trường.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Krông Buk kiểm tra hiện trường.

Xung quanh khu vực Tiểu khu 356, theo quan sát của chúng tôi, không chỉ đốn hạ, người dân còn ken gốc, "bức tử" cho thông chết dần chết mòn... Một số mảng rừng đang bị héo dần bởi những gốc thông bị đốt.

Động cơ

Khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND cùng một số phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện Krông Buk và UBND xã Cư Né đã đến vận động, tuyên truyền, giải thích và bà con đã ra về. Ngay ngày hôm sau, vào sáng 7-1, lãnh đạo huyện đã tổ chức đối thoại với các hộ dân. Tại đây, theo như những gì bà con phản ánh thì: Các gia đình mới cưới hoặc mới tách hộ ở các buôn Mùi 1, Mùi 2, Mùi 3 do thiếu đất ở nên họ đã tự ý tổ chức chặt hạ cây thông để chiếm đất ở. Trước đó UBND huyện Krông Buk đã bố trí đất ở cho đồng bào các buôn trên tại buôn Drăh, buôn Drao ở cùng xã, người dân đã nhận đất nhưng sau đó không ở, với lý do: "theo truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê thì người dân buôn nào phải ở buôn đó". Buôn phó buôn Mùi 1, Y Bang Niê nói: “Bà con đi phá rừng đã biết cái sai của mình. Nhà nước đã cấp đất ở nhưng vì phong tục tập quán đồng bào muốn buôn mình ở đâu thì mình ở đó”.

Ngoài nguyên nhân trên, theo như Chủ tịch UBND xã Cư Né Y Thanh Ayun thì tình trạng chặt phá thông còn manh nha từ khi có công ty vào khai thác mủ thông nhưng lại làm theo kiểu tận thu. Chính điều này đã khiến người dân lợi dụng rồi ken thông làm cho cây chết dần. Diện tích rừng thông trên địa bàn xã ngày càng giảm: năm 2010 là 184,3 ha, đến năm 2011 còn 179 ha.

Vết dầu loang

Trao đổi xung quanh sự việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Buk Lê Ngọc Hà cho biết: Tình trạng chặt phá thông ở địa bàn các xã đã diễn ra nhiều năm nay. Chương trình 132, 134 về cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã cơ bản giải quyết xong. Buôn Drao là điểm quy hoạch cấp đất ở của huyện. 52 hộ dân ở 3 buôn Mùi thiếu đất cũng đã được bố trí tại buôn Drao. Các hộ dân đã đến nhận đất. Còn nhu cầu, tâm tư của bà con là “theo truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, người dân buôn nào phải ở buôn đó” thì đến cuộc họp ngày 7-1 mới nghe nói, chứ trước đó không có phản ánh lên huyện và cũng không nghe UBND xã báo cáo. Sau khi nghe nguyện vọng của bà con, lãnh đạo huyện cũng ghi nhận để xin ý kiến tỉnh có hướng giải quyết.

Với tốc độ tàn phá như hiện nay, tương lai rừng thông cảnh quan  ven QL 14 sẽ chỉ còn trong ký ức
Với tốc độ tàn phá như hiện nay, tương lai rừng thông cảnh quan ven QL 14 sẽ chỉ còn trong ký ức

Được biết trước đó, tình trạng chặt phá thông để lấy làm đất ở cũng đã xảy ra ở buôn Dhia, mặc dù người dân thiếu đất ở buôn này đã được giải quyết đất ở buôn Drao. Sau khi sự việc xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo bố trí một điểm dân cư nông thôn tại đây. Hiện khu vực này, cơ sở hạ tầng về cơ bản được xây dựng để quy hoạch cho khoảng 200 hộ dân sinh sống. Câu chuyện của buôn Dhia và 3 buôn Mùi càng khiến dư luận lo lắng cho vết dầu loang: chặt phá rừng thông để chiếm đất ở địa phương này. Trả lời băn khoăn này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Hà chia sẻ: Trong cuộc họp với người dân 3 buôn Mùi, chính quyền địa phương cũng nói rõ Nhà nước có nhiều chính sách chăm lo cho dân nhưng bà con cũng phải nỗ lực và có trách nhiệm chấp hành pháp luật. Nguyện vọng của bà con, lãnh đạo huyện ghi nhận để phản ánh xin ý kiến tỉnh nhưng ai vi phạm thì vẫn phải nghiêm khắc xử lý. Huyện đã nói rõ khi làm việc, đối thoại với bà con: Đây là lần cuối cùng giải quyết theo kiểu tình huống như thế này. Đồng thời ông Hà cũng đề nghị và mong muốn tỉnh nên có chỉ đạo mang tầm vĩ mô hơn, để tránh vết dầu loang của tình trạng trên.

Câu chuyện phá rừng thông để lấy đất ở tại huyện Krông Buk cũng thêm một bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí, quy hoạch, giải quyết thấu đáo cũng như có kiểm tra, rà soát đối với vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

 Đàm Thuần - Giang Nam


Ý kiến bạn đọc