Xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Điều 187 (Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012) về tuổi nghỉ hưu có quy định: “Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định”. Tại một cuộc hội thảo trước Tết Nguyên đán 2013 nhằm lấy ý kiến đóng góp vào nội dung hướng dẫn Điều 187, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đề xuất các phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Trước hết phải khẳng định đây không phải lần đầu tiên chuyện tăng tuổi nghỉ hưu được đề cập. Trước đây, cũng đã có vài lần Quốc hội tính chuyện tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ theo đề xuất của Chính phủ. Và lần này, Bộ LĐ - TB&XH đã đưa ra đề xuất về việc tăng tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm 5 năm so với quy định hiện nay. Ngoài phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ thêm 5 năm để áp dụng từ ngày 1-1-2014, Bộ cũng đề xuất phương án hai: Tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lao động theo lộ trình. Và lý lẽ chính khởi nguồn cho những đề xuất này là để đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu. Thêm nữa, điều kiện làm việc cũng như tuổi thọ bình quân của người Việt Nam được cải thiện và đã tăng lên. Trong khi đó, nước ta đang ở thời kỳ “dân số vàng” nhưng quá trình già hóa dân số sẽ rất nhanh nên việc điều chỉnh để tận dụng hiệu quả nguồn lao động cao tuổi là điều cần thiết. Tăng tuổi nghỉ hưu là yếu tố quan trọng góp phần làm ra nhiều của cải cho xã hội, giúp người lao động cống hiến nhiều hơn, làm giảm áp lực cho quỹ lương hưu.
Đề xuất trên sau khi đưa ra đã thu hút sự quan tâm cũng như phản hồi, góp ý sôi nổi của công luận. Một số chuyên gia cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu có cả cơ hội và thách thức đối với người lao động cũng như cơ quan sử dụng lao động. Lo ngại chuyện quỹ lương hưu bị vỡ nhưng câu hỏi ngược lại quỹ lương cũng phải chi trả một khoản không nhỏ nhất là đối với lao động có thời gian công tác nhiều. Và cũng không ngoại trừ hiệu ứng ngược như lương vẫn phải trả cao nhưng sản phẩm người lao động đó làm ra lại không đủ bù đắp vào khoản đã chi trả. Đó là chưa nói đến tỷ lệ lao động đa phần là lao động trẻ chưa có việc làm của nước ta còn lớn. Theo đó, như trao đổi của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội thì độ tuổi nghỉ hưu của người lao động cũng phải dựa vào đó để tính toán và áp dụng cho phù hợp; đề phòng vấn đề nảy sinh là tham quyền cố vị với những lao động ở vị trí quản lý. Bên cạnh đó, vấn đề vỡ quỹ lương hưu được đưa ra để tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có sự tiến hành khảo sát cùng những số liệu cụ thể vì tăng thời gian làm việc cho người lớn tuổi cũng đồng nghĩa với việc những người trẻ bị giảm cơ hội việc làm.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước với chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ có tay nghề, có trình độ chuyên môn cao thì đề xuất trên càng cần phải có sự cân nhắc. Ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phân tích: Tâm lý của khá nhiều người lao động vẫn muốn nghỉ sớm để chăm lo công việc gia đình. Hơn nữa, hiện nay, những người đã về hưu nếu bảo đảm về sức khỏe và có tâm lý muốn làm việc vẫn có nhiều cơ hội để cống hiến bằng cách này hay cách khác chứ không nhất thiết phải làm việc trong cơ quan Nhà nước, có biên chế. Tăng độ tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng đối với một số lĩnh vực có tính đặc thù nhất là trong hoạt động nghiên cứu khoa học bởi vì các nhà khoa học càng dày tuổi đời càng dày kiến thức và chúng ta có thể tận dụng được nguồn chất xám quý báu ấy. Trước mắt nên thực hiện thí điểm việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với những người giữ chức vụ quan trọng và chỉ nên áp dụng đối với những người làm lãnh đạo, quản lý ở cấp bộ, trung ương chứ không nên áp dụng ở cấp địa phương.
Với những lao động nữ làm việc chân tay, nặng nhọc, số đông dư luận không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (Ảnh chỉ mang tính minh họa). (Ảnh: Hoàng Gia) |
Với góc độ một người nghiên cứu khoa học, là lao động nữ, Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên Trưởng phòng Khoa học Viện KHKTNLN Tây Nguyên bày tỏ: Nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học mà sức khỏe còn tốt và vẫn có nhu cầu làm việc. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ở đa số các trường hợp, khi đã bước qua tuổi 40, những nhà khoa học nữ mới rảnh rang chuyện gia đình (bởi con cái đã lớn) để toàn tâm toàn ý cho công tác nghiên cứu. Khi bước vào độ tuổi 50, theo thời gian, kiến thức và kinh nghiệm cũng dày hơn, những mối quan hệ trong công việc cũng mở rộng và vững chắc hơn nên công việc nghiên cứu sẽ thuận lợi và hiệu quả. Vì thế, với độ tuổi nghỉ hưu như quy định hiện thời, sẽ rất lãng phí một nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù nhiều nhà khoa học nghỉ hưu vẫn có thể làm công tác nghiên cứu song sẽ hạn chế hơn, nhất là việc cập nhật thông tin khoa học mới, so với khi còn đảm nhiệm công tác tại các trường, viện nghiên cứu. Để giải quyết mâu thuẫn “người già còn đương chức thì người trẻ không có cơ hội thăng tiến”, thiết nghĩ, những người say mê với công tác nghiên cứu đến độ tuổi đó có thể thôi giữ chức vụ mà chỉ làm công việc chuyên môn thuần túy. Đây cũng là suy nghĩ của ông Lương Bảy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Tăng độ tuổi lao động chỉ nên áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể, nhất là đối với lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Việc tăng độ tuổi phải trên cơ sở sức khỏe, nhu cầu của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời những lao động này chỉ làm việc với tư cách cố vấn chứ không đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, quản lý.
Đàm Thuần - Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc